Bắc Quang vườn tạp “thay áo” mới

14:15, 06/06/2024

BHG - Với quan điểm xuyên suốt: Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau cùng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, huyện Bắc Quang đã có hàng nghìn mảnh vườn tạp được cải tạo, “thay áo” mới, làm cho “tấc đất” trở thành “tấc vàng”.

Đổi mới tư duy

Ngày 1.12.2020, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp (CTVT), phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Đây chính là cơ sở quan trọng để huyện Bắc Quang khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế vườn hộ, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Theo đó, huyện Bắc Quang đã huy động sự vào cuộc của Ủy ban MTTQ, các tổ chức hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở thông qua việc phát động phong trào thi đua và giúp đỡ hội viên CTVT. Tổ chức 15 lớp tập huấn ngoài hiện trường FFS (cầm tay chỉ việc) cho 310 hộ dân. Nội dung tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đến nay, toàn huyện có gần 2.500 hộ CTVT với tổng diện tích đạt gần 877.000 m2. Trong đó, 194 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025; 255 hộ không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách; 2.042 hộ chủ động chỉnh trang nhà ở, cải tạo vườn hộ gắn với phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”.

Cải tạo vườn tạp sang trồng cây Khôi giúp gia đình anh Pảo Việt Hùng, xã Việt Vinh nâng cao thu nhập.
Cải tạo vườn tạp sang trồng cây Khôi giúp gia đình anh Pảo Việt Hùng, xã Việt Vinh nâng cao thu nhập.

Huyện Bắc Quang đã huy động nguồn lực lên đến gần 6,5 tỷ đồng để hỗ trợ CTVT. Bình quân thu nhập của hộ nghèo, cận nghèo sau CTVT đạt hơn 23 triệu đồng/năm. Đối với các hộ còn lại có lợi nhuận tăng thêm từ 10 – 15% so với trước khi tham gia CTVT.

Lan tỏa giá trị nhân văn

Anh Pảo Việt Hùng, thôn Nậm Buông (xã Việt Vinh) chia sẻ: Năm 2020, gia đình tôi là hộ cận nghèo, việc trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu tự cung tự cấp. Đến năm 2021, gia đình tôi được vay vốn không lãi suất số tiền 30 triệu đồng, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật CTVT. Đây là bước đà quan trọng để gia đình tôi cải tạo thành công hơn 1.100 m2 vườn tạp sang trồng cây Khôi, mở rộng chuồng trại để nâng quy mô chăn nuôi lợn từ 3 – 5 con/lứa lên 30 con/lứa; xuất bán hơn 9 tấn lợn hơi/năm. Tổng giá trị thu được sau CTVT của gia đình tôi đạt gần 250 triệu đồng. Đặc biệt, cuối năm 2023, gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ trung bình.

Mặc dù không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh nhưng nhiều hộ đã chủ động CTVT thành vườn mẫu trù phú, góp phần quan trọng đưa Nghị quyết 05 bén rễ sâu trong đời sống nhân dân. Tiêu biểu như gia đình chị Đặng Thị Vinh, thôn Khuổi Niếng (xã Đông Thành) CTVT sang trồng cây cam, cải tạo ao nuôi cá và chăn nuôi lợn, tạo thu nhập tăng thêm từ 20 – 30 triệu đồng/năm so với trước khi CTVT. Còn gia đình anh Lưu Trần Phong, thôn Mỹ Tân (xã Tân Quang) cải tạo 3.200 m2 vườn tạp sang trồng hoa, cây cảnh mang lại nguồn doanh thu hơn 150 triệu đồng/năm…

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã nỗ lực xây dựng các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm sau CTVT cho người dân. Trong đó, Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp và thuốc thú y Hà Giang, các Hợp tác xã: Thanh niên Huỳnh Minh; Thủy sản Nặm Mái; Hải Khang; Quốc Điểm… liên kết với 143 hộ nghèo, cận nghèo/11 xã để bao tiêu sản phẩm từ chăn nuôi lợn, gà, dê và thủy sản. Riêng tại xã Quang Minh, Công ty Cổ phần nông nghiệp An Đạt Thành Hà Giang liên kết với 45 hộ dân/9 thôn để trồng 5,47 ha sả Srilanka gắn với chưng cất tinh dầu. Còn Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng liên kết với 23 hộ dân của xã Hùng An, Quang Minh, thị trấn Việt Quang trồng hơn 7 ha Nhân trần theo hướng GACP. Từ năm 2023 đến nay, doanh nghiệp đã thu mua gần 9 tấn Nhân trần tươi cho người dân với giá 4.000 đồng/kg.

Nhất quán “2 không”

Mặc dù chương trình CTVT trên địa bàn huyện Bắc Quang đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân trong cấu trúc lại không gian vườn hộ một cách hợp lý, khoa học, hiệu quả giúp gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, vẫn còn không ít “nút thắt” cần tháo gỡ.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Một số vườn sau cải tạo kém bền vững, không duy trì được chất lượng các nội dung CTVT. Trong tổng số 194 vườn hộ được đánh giá, chỉ có 15 hộ đạt chất lượng tốt, 149 hộ được đánh giá là đạt và 30 hộ chưa đạt. Ngoài ra, việc lựa chọn hộ tham gia CTVT vẫn còn một số trường hợp chưa đảm bảo đúng theo tiêu chí của đề án, nên chỉ thực hiện được một nội dung tiêu chí CTVT như chỉ áp dụng chăn nuôi, không có điều kiện xử lý môi trường chăn nuôi. Mặt khác, nguồn vốn vay CTVT tối đa 30 triệu đồng/hộ là thấp, chưa đủ để thực hiện các nội dung đầu tư, trong khi đó yêu cầu của bộ tiêu chí CTVT tương đối cao so với mặt bằng chung của các hộ nghèo và cận nghèo.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo chương trình CTVT huyện Bắc Quang tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 05. Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, Hà Việt Hưng cho biết: “Nhất quán phương châm “2 không” trong CTVT (không nóng vội, không thành tích) và dễ làm trước, khó làm sau; trên cơ sở phân tích cụ thể nguyên nhân dẫn đến những hạn chế còn tồn tại, huyện Bắc Quang đã đề ra nhiều giải pháp tổ chức CTVT nhằm đáp ứng mục tiêu tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững từ kinh tế vườn. Trong đó, tổ chức CTVT bài bản, tuân thủ đúng quy trình, nhất là khâu lựa chọn hộ thực hiện. Các nội dung CTVT do chính người dân đề xuất, cán bộ kỹ thuật chỉ giữ vai trò người định hướng để phát huy tính chủ động của người dân trong CTVT”.

Đặc biệt, nhằm giải “bài toán” về nguồn vốn vay, huyện Bắc Quang đang triển khai lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với CTVT, giúp gia tăng nguồn lực để các hộ thực hiện CTVT hiệu quả, bền vững.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dồn sức thi công tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang
BHG - Xác định Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang là công trình trọng điểm quốc gia, các nhà thầu thi công đang nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” với tinh thần “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” để đẩy nhanh tiến độ.
30/05/2024
Vĩnh Tuy điểm đến của các nhà đầu tư
BHG - Tận dụng được lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đã có nhiều giải pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển, qua đó từng bước đưa thị trấn ngày một đổi mới.
30/05/2024
Xín Mần nỗ lực giải ngân các nguồn vốn đầu tư
BHG - Xác định rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tỷ lệ giải ngân còn đạt thấp, tiến độ thi công các công trình đặc biệt là những dự án, công trình trọng điểm của huyện. Từ đó, đề ra giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết tâm từng bước đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư của huyện Xín Mần.
29/05/2024
Kinh tế hợp tác xã dẫn dắt sản xuất bền vững
BHG - Bắc Quang hiện có 63 hợp tác xã (HTX) hoạt động, với trên 1.600 thành viên; số vốn đăng ký trên 80 tỷ đồng. Các HTX đang tạo công ăn, việc làm và thu nhập khá ổn định cho gần 1.900 lao động tại chỗ. Kinh tế HTX trong thời kỳ mới đang từng bước vươn lên dẫn dắt hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững.
29/05/2024