Vĩnh Tuy điểm đến của các nhà đầu tư

16:17, 30/05/2024

BHG - Tận dụng được lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đã có nhiều giải pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển, qua đó từng bước đưa thị trấn ngày một đổi mới.

Tính đến nay, Vĩnh Tuy đã thu hút gần chục doanh nghiệp, nhà đầu tư. Số vốn đầu tư vào thị trấn cửa ngõ trên 3.450 tỷ đồng. Riêng vốn thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp Nam Quang đã được lấp đầy với hàng ngàn tỷ đồng. Các nhà máy được doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Nam Quang gồm: Chế biến bột giấy nguyên liệu tre, nứa; chế biến tinh bột sắn, gỗ bóc; sản xuất gỗ viên nén tận dụng phế liệu gỗ thu mua từ các cơ sở sản xuất trong vùng để xuất khẩu sang Nhật Bản và thị trường EU, công suất ngày một mở rộng... Các nhà máy hoạt động sản xuất trong Cụm công nghiệp Nam Quang đã thu hút và giải quyết việc làm, thu nhập gần 700 lao động địa phương. Từ khi Cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã kéo theo một loạt các loại hình sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển. Trong đó, trồng rừng kinh tế, trồng sắn, trồng giang, vầu, thu mua phụ phẩm, phế liệu gỗ tại các cơ sở xã, thị trấn trong vùng. Sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp đã tạo thành một vòng sản xuất khép kín. Qua đó cũng tạo thêm nhiều việc làm mới, ngành nghề mới góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH cho cả vùng giáp danh của tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái.

Quốc lộ 2, đoạn qua thị trấn Vĩnh Tuy vừa được nâng cấp để đón đầu nhịp nối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.
Quốc lộ 2, đoạn qua thị trấn Vĩnh Tuy vừa được nâng cấp để đón đầu nhịp nối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Với phương châm thu hút đầu tư có chọn lọc; phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường là tiêu chí tiên quyết lựa chọn. Để được chấp nhận cấp phép đầu tư đòi hỏi các nhà đầu tư vào Cụm công nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc: Có công nghệ cao và không gây ô nhiễm môi trường sống. Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Tuy, Trần Anh Tuấn cho biết: Về cơ bản, các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Nam Quang đều tuân thủ cam kết đầu tư máy móc, thiết bị bằng dây chuyền mới, tiên tiến, ít phát thải nguy hại, ô nhiễm ra môi trường. Việc lấp đầy các cơ sở sản xuất và chế biến tại Cụm công nghiệp Nam Quang đã tạo ra sức bật mới trong sản xuất hàng hoá, thúc đẩy sản xuất liên vùng mang lợi thế địa phương. Qua đó, mở ra và tạo thêm nhiều cơ hội cho nông dân liên kết sản xuất trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư theo chuỗi giá trị, cùng làm và cùng hưởng lợi ích, chia sẻ rủi ro. Ngoài thu hút đầu tư, Vĩnh Tuy còn một tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao đang được tập trung chuyển đổi. Theo báo cáo của UBND thị trấn Vĩnh Tuy: Vĩnh Tuy hiện có trên 248 ha chè trồng theo tiêu chuẩn Viet Gap, trong đó có 157 ha chè được trồng theo quy chuẩn hữu cơ. Mỗi năm Vĩnh Tuy sản xuất gần 1.450 tấn chè búp tươi nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Ngay đầu năm nay, giá thu mua chè búp tươi nguyên liệu tăng cao đã mang lại nhiều hơn thu nhập cho người trồng chè. Thị trấn còn khuyến khích xây dựng 3 làng nghề làm chè, có 25 xưởng thu mua, chế biến. Mỗi năm, các xưởng sản xuất và tiêu thụ từ 450 - 650 tấn chè thành phẩm bán ra các thị trường. Lợi nhuận từ cây chè mang lại nguồn thu mỗi năm hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Bên cạnh cây chè, Vĩnh tuy còn có 128 ha cây cam, quýt, trên 267 ha rừng kinh tế và hàng trăm ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản. Trồng rừng gỗ lớn và phát triển nuôi cá lồng đặc sản đã, đang được đầu tư thoả đáng. Lợi thế sản xuất hàng hoá chất lượng cao từ nông nghiệp, thủy sản được khuyến khích thành lập các xưởng sản xuất, chế biến hàng hoá nông, lâm sản ngay tại thôn, tổ dân phố để thúc đẩy sản xuất bền vững. Hiện tại, Vĩnh Tuy có 11 xưởng chế biến lâm sản, 6 xưởng sản xuất cơ khí, gần 200 hộ chuyên kinh doanh, làm dịch vụ. Tính đến cuối năm 2023, Vĩnh Tuy chỉ còn 9 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo.

Không khí lao động sôi nổi tại Nhà máy ván ép xuất khẩu Thái Hoàng.
Không khí lao động sôi nổi tại Nhà máy ván ép xuất khẩu Thái Hoàng.

Vĩnh Tuy sẽ tận dụng tối đa lợi thế của vùng đất “đắc địa”. Từ đó, tạo ra thời cơ, cơ hội thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đưa Vĩnh Tuy trở thành thị trấn đáng sống xanh, sạch, hiện đại bên bờ sông Lô.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dồn sức thi công tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang
BHG - Xác định Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang là công trình trọng điểm quốc gia, các nhà thầu thi công đang nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” với tinh thần “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” để đẩy nhanh tiến độ.
30/05/2024
Hội thảo “Bảo tồn, nâng cao giá trị và nhãn hiệu sản phẩm chè Shan tuyết núi cao trên địa bàn tỉnh Hà Giang”
BHG - Sáng 29.5, tại khách sạn Hà An (T.p Hà Giang), Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, nâng cao giá trị và nhãn hiệu sản phẩm chè Shan tuyết núi cao trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2024 – 2025 và đến năm 2030”.
29/05/2024
Xín Mần nỗ lực giải ngân các nguồn vốn đầu tư
BHG - Xác định rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tỷ lệ giải ngân còn đạt thấp, tiến độ thi công các công trình đặc biệt là những dự án, công trình trọng điểm của huyện. Từ đó, đề ra giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết tâm từng bước đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư của huyện Xín Mần.
29/05/2024
Kinh tế hợp tác xã dẫn dắt sản xuất bền vững
BHG - Bắc Quang hiện có 63 hợp tác xã (HTX) hoạt động, với trên 1.600 thành viên; số vốn đăng ký trên 80 tỷ đồng. Các HTX đang tạo công ăn, việc làm và thu nhập khá ổn định cho gần 1.900 lao động tại chỗ. Kinh tế HTX trong thời kỳ mới đang từng bước vươn lên dẫn dắt hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững.
29/05/2024