Hành động vì mục tiêu tăng trưởng xanh
BHG - Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh ta đang tích cực triển khai các hành động cụ thể trên từng lĩnh vực, đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần chống biến đổi khí hậu, phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái.
Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung phát triển ngành Nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, tuần hoàn thông qua việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2012 - 2022, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi được trên 7.850 ha đất trồng ngô sang cây cây ăn quả, rau, đậu, cỏ chăn nuôi... Nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên cây lúa tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, trong đó nông dân được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp xử lý gốc rạ, kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến; qua đó góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa, bảo vệ môi trường, tiết kiệm lượng nước tưới, cải tạo đất, hạn chế đốt rơm rạ. Ngoài ra, các mô hình trồng rau trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao; liên kết phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; tận dụng các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang được các địa phương tích cực nhân rộng.
Sản xuất rau theo hướng VietGAP tại phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang. |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Hoàng Hải Lý cho biết: Thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, ngành Nông nghiệp đã tham mưu, triển khai các giải pháp đồng bộ. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, giảm phát thải, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả thu hoạch, bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vật tư đầu vào, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tăng cường ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là với các sản phẩm được chứng nhận OCOP. Khuyến khích người dân chuyển từ quy mô sản xuất nhỏ, phân tán sang sản xuất tập trung, hình thành vùng nông nghiệp trọng điểm gắn với sản xuất hữu cơ, bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Cùng với nỗ lực phát triển nông nghiệp xanh, các địa phương trong tỉnh đang triển khai hiệu quả chương trình Nông thôn mới, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn. Các hội, đoàn thể đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hiệu quả như: Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; nhà sạch – vườn đẹp; tuyến đường thanh niên tự quản; cộng đồng dân cư không rác thải nhựa; đổi rác thải nhựa lấy cây xanh; trồng hoa, cây cảnh quan trên các tuyến đường... Các huyện, thành phố tích cực xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với thu gom, xử lý rác thải, nước thải nông thôn; vận động người dân hạn chế sử dụng túi nilon; phát động các phong trào thu gom rác thải đồng ruộng, xây dựng hố phân hủy rác hữu cơ tại vườn hộ gia đình, dọn vệ sinh môi trường. Từ đó diện mạo nông thôn ở nhiều vùng quê ngày càng đổi mới, người dân hình thành thói quen có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sạch, đẹp.
Mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh” tại huyện Hoàng Su Phì. |
Hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, tỉnh ta đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đổi mới công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân; tích hợp tăng trưởng xanh vào các chương trình giáo dục ở các cấp học. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cho đội ngũ cán bộ các cấp. Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án xanh; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi mô hình sản xuất...
Đặc biệt, tỉnh ta quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu triển khai các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển cụm công nghiệp sinh thái; hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất để sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải. Thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng lưới điện phân phối, giảm tổn thất điện năng, tiến tới xây dựng lưới điện thông minh. Trong lĩnh vực xây dựng, thúc đẩy đô thị hóa theo hướng thông minh, bền vững; rà soát, điều chỉnh quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (cấp, thoát nước; thu gom, xử lý nước thải, rác thải; giao thông, chiếu sáng, cây xanh), hướng đến xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, phù hợp với điều kiện KT-XH của tỉnh. Cùng với đó, thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh; quản lý chất thải, chất lượng không khí, quản lý tài nguyên nước, đất đai, đa dạng sinh học; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Bài, ảnh: Yên Hoa
Ý kiến bạn đọc