Phát huy cao độ vai trò người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

11:14, 19/04/2024

BHG - Năm nay, tổng vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh ta thực hiện trên 4.363 tỷ đồng. Kết thúc quý I, nền kinh tế hấp thụ được 656,6 tỷ đồng, đạt 15,05% kế hoạch, tăng 4,42% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn bình quân chung cả nước 1,38%.

Xác định vốn đầu tư công có vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế để phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH; thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo phân bổ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn NSNN năm 2024; ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành 12 văn bản, thông báo kết luận đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện và giải ngân các nguồn vốn NSNN. Đồng thời, phân bổ 100% kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 đúng quy định, hiệu quả.

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công NSNN tỉnh ta được Thủ tướng Chính phủ giao 4.363,496 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) 1.308,14 tỷ đồng, trong đó: Chi xây dựng cơ bản vốn trong nước 815,04 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 400 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 22 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn bội chi NSĐP 71,1 tỷ đồng. Vốn ngân sách T.Ư 3.055,356 tỷ đồng, gồm: Vốn trong nước đầu tư theo ngành, lĩnh vực 942,92 tỷ đồng; vốn ODA 460,75 tỷ đồng; vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) 1.651,686 tỷ đồng (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 482,086 tỷ đồng; Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới 87,55 tỷ đồng; Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 là 1.082,05 tỷ đồng).
Đoàn đường tỉnh ĐT183 qua địa bàn xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đã thi công cơ bản hoàn thành trải bê tông nhựa.
Đoạn đường tỉnh ĐT183 qua địa bàn xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đã thi công cơ bản hoàn thành trải bê tông nhựa. Ảnh: PV

Tổng vốn kéo dài thời gian thanh toán năm 2023 sang năm nay 514,3 tỷ đồng, trong đó: 3 chương trình MTQG 432,8 tỷ đồng (Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 306,4 tỷ đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 109 tỷ đồng; Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới 23,2 tỷ đồng). Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 23,2 tỷ đồng. Nguồn vốn cân đối NSĐP 58,3 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I vừa qua, tổng nguồn vốn đã giải ngân 656,6/4.363,5 tỷ đồng, đạt 15,05% kế hoạch, tăng so với cùng kỳ năm trước 4,42%, cao hơn bình quân chung cả nước 1,38%. Trong đó: Vốn đầu tư cân đối NSĐP giải ngân 289,13/1.308,1 tỷ đồng, đạt 22,1% kế hoạch. Ngân sách T.Ư giải ngân 150,37/1.403,67 tỷ đồng, đạt 10,71% kế hoạch, tăng 4,43% so với cùng kỳ; trong đó ngân sách T.Ư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đạt 138,6/942,92 tỷ đồng, đạt 14,7% kế hoạch; vốn ODA giải ngân 11,76/460,75 tỷ đồng, đạt 2,55% kế hoạch. Chương trình MTQG giải ngân 217,1/1.651,6 tỷ đồng, đạt 13,15% kế hoạch. Trong đó: Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân 141,5/1.182 tỷ đồng, đạt 13,08% kế hoạch; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân 40/481,08 tỷ đồng, đạt 8,3% kế hoạch; Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giải ngân 35,5/87,55 tỷ đồng, đạt 40,58% kế hoạch.

Đánh giá về công tác giải ngân quý I vừa qua, ngành chức năng nhận định, kết quả khả quan hơn cùng kỳ năm trước do kế hoạch vốn được giao chi tiết và phân bổ hết ngay từ đầu năm. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra, động viên các chủ đầu tư, nhà thầu ra quân thi công; xây dựng kế hoạch giải ngân theo tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên... có phương án bảo đảm vật liệu xây dựng (đất, đá, cát...) đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu các dự án. Thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu chủ yếu phục vụ dự án, đề xuất các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa, giá cả vật liệu xây dựng.

Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng áp lực giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất lớn. Ngoài vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật thì những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tài nguyên, việc khởi công mới đồng loạt nhiều công trình cả vốn đầu tư công và vốn 3 chương trình MTQG dẫn đến tình trạng thiếu vật liệu, nhân công cục bộ tại một số địa bàn… Nhận diện rõ những khó khăn, đồng thời khẳng định quyết tâm đưa vốn vào nền kinh tế, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, huyện, thành phố phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công. Liên quan đất lĩnh vực đất đai, UBND tỉnh giao sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn UBND các huyện, thành phố kiểm đếm, đo đạc diện tích đất, giá đền bù giải phóng mặt bằng sát với thực tiễn… nhanh chóng bàn giao mặt bằng triển khai dự án đúng tiến độ. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở và các đơn vị, quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao, cụ thể, thực sự vào cuộc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Giám đốc các sở, ban, ngành, Thủ trưởng các đơn vị, Bí thư, Chủ tịch HĐND-UBND các huyện, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án. Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, phương tiện, trang thiết bị đẩy nhanh tiến độ… chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thi.

Đối với 3 chương trình MTQG, các huyện, thành phố rà soát danh mục dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún trong quá trình tổ chức thực hiện.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2
BHG - Thời gian gần đây, tranh thủ thời tiết nắng ráo, đơn vị thi công Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2 (đoạn qua địa bàn thành phố Hà Giang) đang huy động tối đa nhân lực, máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình đúng kế hoạch.
19/04/2024
Khơi thông “huyết mạch”, tạo đà cho nền kinh tế bứt phá
BHG - Giao thông được ví như “huyết mạch” của nền kinh tế; “huyết mạch” được khơi thông sẽ tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế bứt phá. Xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của giao thông trong phát triển KT – XH, đảm bảo QP – AN, tỉnh ta đã thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, có tính kết nối cao, có thứ tự ưu tiên trọng tâm, trọng điểm.
19/04/2024
Từng bước hiện thực hóa khát vọng giảm nghèo bền vững
BHG - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, năm nay tỉnh ta phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4%, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%; hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới.
19/04/2024
“Rộn tiếng ca” trên tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang
BHG - Giữa những ngày Hè oi ả, hàng nghìn công nhân, máy móc đang hối hả làm việc; công trường “rộn tiếng ca” với quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” để tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang.
17/04/2024