Hoàng Su Phì nỗ lực giảm nghèo bền vững
BHG - Hỗ trợ nhân dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu; đẩy mạnh triển khai các chương trình nông nghiệp trọng tâm, phát triển cây, con thế mạnh gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm... là những giải pháp đã và đang được huyện Hoàng Su Phì triển khai để nâng cao đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững.
Là một trong những hộ thoát nghèo nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Nghị quyết 58 HĐND tỉnh, đến nay cuộc sống của gia đình anh Hoàng Văn Hướng, thôn Bản Qua 2, xã Tân Tiến đã có sự đổi thay đáng kể. Đầu năm 2021, được sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền xã, anh Hướng đã mạnh dạn đăng ký thực hiện cải tạo vườn tạp và được hỗ trợ vay 30 triệu đồng. Từ số tiền trên, gia đình anh đã xây dựng chuồng trại mua lợn nái, trâu về nuôi sinh sản. Trên diện tích hơn 2.000 m2, anh bố trí khu vực chăn nuôi, khu vực trồng rau và trồng mận Tam hoa. Đặc biệt, với định hướng trồng rau sạch để cung ứng ra thị trường, vườn rau gần 1.000 m2 của gia đình anh luôn xanh tốt quanh năm, mùa nào thức nấy, đem lại nguồn thu đáng kể. Đến nay, mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế tổng hợp đem lại thu nhập 3 - 5 triệu đồng/tháng cho gia đình anh. Sau 2 năm được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để cải tạo vườn tạp, gia đình anh Hướng đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Huyện Hoàng Su Phì tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. |
Để hỗ trợ người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn, các tổ chức tín dụng tăng cường công tác tuyên truyền về những chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước, của tỉnh; hỗ trợ nhanh chóng về hồ sơ, thủ tục vay vốn. Hướng dẫn nhân dân lựa chọn cây, con phù hợp để phát triển kinh tế, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Trong giai đoạn 2021 - 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho vay 34.574 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm mới cho 1.243 lao động địa phương với các mô hình kinh tế như: Trồng cây ăn quả, chăn nuôi dê, lợn đen, nuôi trâu hàng hóa; sản xuất, chế biến chè; trồng cây dược liệu; kinh doanh dịch vụ tổng hợp.... Qua đó, góp phần tạo điều kiện giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống và thoát nghèo bền vững.
Hoàng Su Phì xác định tập trung phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân. Dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện chú trọng xây dựng 3 chuỗi giá trị gồm: Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, phát triển cây ăn quả ôn đới (Lê, Mận Máu) và sản phẩm gạo chất lượng cao. Trong đó, chè Shan tuyết đã hình thành được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với nhiều HTX, doanh nghiệp đứng ra thu mua chè tươi cho nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Với sản phẩm gạo chất lượng cao cũng đã có HTX đứng ra thu mua, sơ chế, đóng gói, xuất bán ra các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đối với cây ăn quả, diện tích tăng lên 80 ha so với năm 2020, nâng tổng diện cây ăn quả toàn huyện lên 840 ha, diện tích cho thu hoạch 109 ha; giá trị thu được 11,8 tỷ đồng/năm, đem lại thu nhập khá cho người dân.
Phát triển chè Shan tuyết theo chuỗi giá trị đem lại thu nhập ổn định cho người dân xã Nậm Ty. |
Cùng với đó, huyện luôn chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh kết nối việc làm, thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thông tin cho các xã, thị trấn để cung cấp cho người lao động; qua đó, góp phần định hướng, giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp. Chú trọng phối hợp với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc tổ chức dạy nghề cũng bám sát nhu cầu thực tiễn, theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế, với các lớp như kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cơ khí, sửa chữa điện tử, điện lạnh... Chỉ tính riêng trong năm 2023, huyện đã mở được 28 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 976 học viên. Tạo việc làm mới cho 2.288 lao động, trong đó số lao động đi làm việc ngoài huyện và xuất khẩu lao động là 1.516 người.
Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện đạt trên 5%, riêng năm 2023 giảm được 850 hộ nghèo. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác giảm nghèo. Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án của tỉnh, đồng thời khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc