Điểm nhấn ngoại giao kinh tế
BHG - Thế giới đang trải qua những biến động lớn chưa từng có tiền lệ, đặt ra nhiều thách thức phức tạp đối với hòa bình, ổn định và phát triển. Trong bối cảnh đó, ngành Ngoại giao, cùng các cấp, ngành của tỉnh triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, bao trùm là giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, huy động được nhiều nguồn lực bên ngoài, hướng đến phát triển kinh tế bền vững, toàn diện.
Đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang với Đoàn đại biểu châu Văn Sơn (Trung Quốc). Ảnh: PHI ANH |
Cụ thể hóa chủ trương, đường lối, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về công tác đối ngoại và nhiệm vụ phát triển KT-XH, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, quyết tâm thực hiện có hiệu quả 3 đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Tỉnh đặt ra mục tiêu đổi mới hình thức, quy mô, cách thức triển khai công tác kinh tế đối ngoại trong giai đoạn tới, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại, làm cơ sở xây dựng, cụ thể hóa các nhiệm vụ, hỗ trợ hiệu quả việc triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án lớn của tỉnh trong giai đoạn mới. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác cấp độ địa phương, phát huy lợi thế liên kết vùng, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vận động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn viện trợ không hoàn lại của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại; tạo hành lang pháp lý, quy định về tạo quỹ đất sạch, quản lý quỹ đất công để khai thác, thu hút đầu tư phát triển KT-XH. Tập trung phát triển kinh tế biên mậu, khai thác hiệu quả tiềm năng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Cửa khẩu song phương Xín Mần và các lối mở đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long khảo sát thực tế Khu sản xuất thương mại xuất, nhập khẩu Hưng Nhai, huyện Tây Trù, châu Văn Sơn (Trung Quốc). Ảnh: PHI ANH |
Từ cuối tháng 3.2023, phía Trung Quốc đã gỡ bỏ hạn chế đi lại, mở cửa biên giới nên hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh chuyển biến khởi sắc. Tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt 293,58 triệu USD, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ, đạt 127,64% kế hoạch. Tỉnh tiếp nhận và triển khai 65 chương trình, dự án, khoản viện trợ. Trong đó tiếp nhận mới 24 chương trình, dự án, khoản viện trợ ký cam kết là 4.278.709 USD (tương đương 104,8 tỷ đồng); tiếp tục quản lý, triển khai 41 chương trình, dự án với ngân sách cam kết năm 2023 ước đạt 3.283.156 USD (tương đương 77,2 tỷ đồng), giải ngân 10 tháng ước đạt 3.159.827 USD (tương đương 74,3 tỷ đồng)…
Lãnh đạo Cục Ngoại vụ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các cá nhân của Sở Ngoại vụ. Ảnh: HỒNG NỤ |
Triển khai hiệu quả Chương trình ký kết nghĩa huyện hữu nghị giữa các huyện biên giới của tỉnh Hà Giang với các địa phương đối đẳng phía Trung Quốc giai đoạn 2021-2025; duy trì mối quan hệ hữu nghị đã ký kết nghĩa giữa 6 cặp huyện/thành phố; 12/12 Đồn Biên phòng và 34/34 xã biên giới đã kết nghĩa hữu nghị với địa phương phía Trung Quốc. Đến nay, tỉnh đã ký kết 123 biên bản, thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài. Thiết lập quan hệ chính thức với 3 địa phương gồm: Tỉnh Benguets (Philippines); thành phố Moriya (Nhật Bản); quận Boeun, tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc) và đẩy mạnh quan hệ hợp tác sẵn có với tỉnh Vân Nam, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Duy trì và mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước: Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Philippines, Aizerbaijan, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Đức…
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc giữ vững, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia vẫn luôn là nhiệm vụ trọng yếu của công tác ngoại giao. Với tâm thế phấn khởi, tự hào về những kết quả đạt được, tin tưởng rằng những thành tựu đối ngoại của tỉnh sẽ tiếp tục được nhân lên nhiều hơn trong mùa Xuân mới.
Hoàng Ngọc
Ý kiến bạn đọc