Đậm nét bức tranh nông nghiệp Xín Mần
BHG - Bức tranh nông nghiệp Xín Mần đã đậm nét và ngày càng tươi sáng hơn với những mảng màu là vùng nguyên liệu nông sản với sự liên kết của các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Để có được kết quả nổi bật trên, đó là cả sự nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ban hành các chủ trương, chính sách mời gọi, mở cửa, thu hút đầu tư. Đồng thời, sự đồng thuận Nhân dân các dân tộc trong việc cụ thể hóa các chủ trương để đưa nông nghiệp Xín Mần từng bước khẳng định giá trị đến với người tiêu dùng trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài.
Lãnh đạo huyện Xín Mần và huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) trao đổi kinh nghiệm và tham quan mô hình trồng củ cải xuất khẩu ở Xín Mần. |
Nằm ở phía Tây của tỉnh, huyện Xín Mần điều kiện KT – XH khó khăn nhất tỉnh. Trong đó, hệ thống đường giao thông đi lại đã phần nào được đầu tư nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng nhìn chung chưa được đồng bộ. Đời sống nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 45%. Những năm trước, ngành nông nghiệp huyện Xín Mần gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm, liên kết vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa… Nhận diện khó khăn và từng bước khắc phục hạn chế trong sản xuất nông nghiệp, quyết tâm đưa Xín Mần thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định 3 khâu đột phá, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao đời sống nhân dân, đưa huyện Xín Mần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Mô hình liên kết nuôi dê tại xã Pà Vầy Sủ tạo sinh kế cho nhân dân địa phương. |
Nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu đề ra, đồng thời xây dựng các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa, thời gian qua cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở, tìm kiếm những giải pháp khắc phục khó khăn và vận dụng khai thác các tiềm năng của địa phương. Trên cơ sở phân tích, đánh giá lợi thế phát triển nông nghiệp như quỹ đất canh tác nhiều, khí hậu được chia thành nhiều tiểu khu khác nhau, nên thích hợp cho việc phát triển quy hoạch vùng nguyên liệu theo từng vùng cụ thể… BTV Huyện ủy, BCH Đảng bộ huyện xác định phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị là khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025. Cùng với đó, ban hành nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động làm cơ sở thực hiện. Mặt khác, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng cũng như khó khăn địa phương. Tổ chức các hội nghị gặp mặt, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực để kết nối, mời gọi đầu tư vào huyện.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Xín Mần đã thực hiện liên kết với Công ty TNHH Misaki Việt Nam để trồng và thu mua củ cải xuất khẩu. Sau 2 năm thực hiện ký kết hợp tác, Công ty đã quyết định đầu tư xây dựng xưởng chế biến tại xã Nàn Ma và thực hiện liên kết với người dân để trồng củ cải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đầu năm 2023, có 18 tấn củ cải muối đầu tiên mang hương vị vùng đất Xín Mần được xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản. Tiếp nối thành công đó, trong năm 2023 đã có 5 lô hàng củ cải muối được đóng gói, xuất khẩu sang đất nước “Mặt trời mọc”. Đến nay, việc một sản phẩm nông nghiệp ở huyện nghèo Xín Mần lần đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn mang một “kỳ tích” và tạo bước ngoặt lớn cho nông sản vùng đất “Khúc nhạc miền Tây”. Từ những kết quả đạt được, đã góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân vào chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền. Từ đó, vùng nguyên liệu từng bước được mở rộng với sự liên kết chặt chẽ gắn quyền lợi của Nhân dân với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nhiều vùng nguyên liệu nông sản xuất khẩu qua liên kết với Công ty TNHH Misaki Việt Nam được hình thành rải khắp các xã, thị trấn như: Củ cải xã Xín Mần, Nàn Ma; củ kiệu, gừng trâu ở Nàn Ma, thị trấn Cốc Pài và Tả Nhìu… Qua đó, nâng mức thu nhập trung bình cho bà con nông dân từ 60 – 80 triệu đồng/vụ trồng.
Không dừng lại ở đó, với chính sách thu hút đầu tư được triển khai phù hợp, năm 2023 nhiều doanh nghiệp, HTX đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của huyện Xín Mần có quy mô và mục tiêu, định hướng phát triển cụ thể. Huyện tiếp tục ký kết nhiều chương trình phối hợp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất giá trị nông nghiệp, lồng ghép, kết hợp với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Nhờ đó, đã hình thành 5 mô hình liên kết chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân, điển hình như: Mô hình trồng rau hữu cơ với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tốt - Phú Thọ liên kết gần 20 hộ dân ở xã Nàn Ma và Xín Mần cho thu nhập mỗi hộ trung bình từ 20 – 30 triệu đồng/vụ; mô hình liên kết nuôi cá nước lạnh của HTX Đại An và Vạn Lộc tại 2 xã Nấm Dẩn và Quảng Nguyên; mô hình nuôi dê lai thuần của HTX công nghệ cao Tiến Thành… Dự án liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm dưa chuột bao tử ở xã Nà Chì và Khuôn Lùng. Dự án trồng cây tre măng Bát độ xuất khẩu liên kết với Công ty TNHH Misaki Việt Nam đang triển khai tại các xã Bản Ngò, Nấm Dẩn và 3 xã phía nam của huyện gồm Nà Chì, Quảng Nguyên, Khuôn Lùng.
Việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị đã phát huy tiềm năng thế mạnh của nông nghiệp địa phương, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Hình thành các chuỗi giá trị, đưa sản xuất nông nghiệp có quy mô hơn, góp phần tích cực thay đổi nhận thức từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa. Mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đưa nông nghiệp thực sự phát triển bền vững.
Bài, ảnh: THÀNH NHÂN
Ý kiến bạn đọc