Xín Mần nâng cao thu nhập cho người dân từ đào tạo nghề
BHG - Trong năm 2023, huyện Xín Mần đã mở 93 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo theo đơn đặt hàng là 25 lớp, 1.400 người; đào tạo theo kế hoạch được giao là 54 lớp, cho 1.870 người; đào tạo từ xã hội hoá là 3 lớp, 70 người. Đã có trên 5.000 người được bố trí việc làm mới. Thu nhập bình quân của người lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 7 – 12 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều lao động đào tạo theo đơn đặt hàng làm việc tại một số nhà máy, phân xưởng cơ khí, chế tạo đạt mức lương tới gần 30 triệu đồng/người/tháng.
Giám đốc HTX dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Nùng – Mông, thị trấn Cốc Pài, chị Vàng Thị Phương vui vẻ: Nhiều thành viên của HTX được tham gia các lớp học nghề ngắn hạn, qua đó ngày một có nhiều sản phẩm chất lượng với mẫu mã đẹp. Các Sản phẩm thổ cẩm của HTX đã được bán rộng khắp
Nuôi dê lai ở thôn Chang Khâu, xã Cốc Rế. |
trên các nền tảng số và bán tại cửa hàng giữa trung tâm thị trấn Cốc Pài, bán qua các đơn đặt hàng trực tiếp của nhiều đoàn khách du lịch cả trong, ngoài nước. Mức thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX dao động từ 8 – 12 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi tháng, HTX dệt và giao đến tay người tiêu dùng khoảng 500 sản phẩm thổ cẩm. Các mặt hàng quần, áo Tày, Nùng U, Mông, thảm trải bàn, túi xách tay, mũ, đai lưng con gái luôn đắt hàng với khách du lịch.
Theo chân cán bộ Địa chính – Nông nghiệp xã Cốc Rế, Hoàng Anh Đông về bản, vừa đi anh vừa cho biết: Cốc Rế đã rà soát, cắt cử toàn bộ số lao động của HTX chăn nuôi dê lai đi đào tạo nghề trong 3 tháng. Đến nay, cả 31 hộ tham gia HTX chăn nuôi dê lai đều thành thạo nghề. Tổng số dê lai được đầu tư chăn nuôi tại Cốc Rế đã lên trên 300 con.
Anh Tráng Đức Văn, thôn Chang Khâu cho hay, các thành viên tham gia HTX nuôi dê lai đều được đào tạo nghề chăn nuôi. Dê lai là con vật dễ nuôi, thời gian sinh sản ngắn, sản lượng thịt lớn hơn rất nhiều so với nuôi dê ta giống địa phương. Giá bán dê lai tại chuồng dao động từ 150 - 180 ngàn đồng/kg. Nhu cầu tiêu thụ thịt dê hiện nay rất lớn.
Niềm vui của đồng bào Mông Xín Mần trong vụ thu hoạch củ cải xuất khẩu sang Nhật Bản. |
Chủ tịch UBND xã Cốc Rế, Nguyễn Đức Xuân cho biết: Cốc Rế đang tiếp tục rà soát để số lao động còn lại được đưa đi đào tạo thêm nghề trồng, chế biến cây dược liệu. Tại xã, Công ty dược liệu Bông sen vàng Hà Giang đã đầu tư trực tiếp giống Hà thủ ô đỏ, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nhà nông. Cơ hội việc làm đang đến, bắt buộc bà con lao động phải được đào tạo nghề mới làm thành công.
Ở xã biên giới Xín Mần, Giám đốc HTX Kasimi, Hoàng Văn Bơi chia sẻ: Mỗi xã viên trong HTX đã có nguồn thu ít nhất 70 – 90 triệu đồng/vụ/ha từ trồng củ cải xuất khẩu sang Nhật Bản. Vụ Đông năm nay, HTX trồng gần 20 ha. Số thành viên tham gia HTX trên 70 hộ, với hàng trăm lao động đồng bào Mông. Các thôn như Quán Dín Ngài, Hậu Cấu, Xín Mần đã gần như không còn đất bỏ hoang. Ngoài trồng củ cải, HTX còn trồng thêm Cải bắp, đậu Hà Lan, Cải thảo bán tiêu dùng nội địa. HTX Kasimi đã bước sang năm thứ 2 trồng củ cải xuất khẩu sang Nhật Bản và là năm thứ 4 trồng rau, củ ôn đới. Bí quyết thành công chính là bà con được đào tạo nghề tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Xín Mần để có thêm kiến thức làm ăn, thoát nghèo.
Trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Xín Mần, Vũ Thị Hoà được biết: Tháng 10.2022, Huyện ủy Xín Mần đã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nghị quyết phân rõ vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp và của từng cơ quan, đơn vị liên quan. Thường trực 3 bên trực tiếp giám sát thực hiện Nghị quyết. Các chỉ tiêu cụ thể được thực hiện từng tháng, quý gắn liền Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 – 2025. Toàn bộ người lao động trong độ tuổi ở Xín Mần phải được đào tạo nghề và hỗ trợ giải quyết việc làm; lấy đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, kiến thức làm động lực trao “cần câu”, cơ hội cho mọi người dân để tự họ vươn lên.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG
Ý kiến bạn đọc