Thay đổi tư duy làm ăn của bà con nông dân

09:18, 01/01/2024

BHG - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp (CTVT), phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; những mục tiêu đặt ra đã từng bước được hiện thực hóa, đặc biệt là tư duy phát triển kinh tế vườn hộ của người dân được nâng lên, những mảnh vườn tạp đã thay áo mới, “đơm hoa, kết trái”, đem lại thu nhập cho bà con, đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Mục tiêu cốt lõi Nghị quyết 05 xác định là: “Thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, từ đó tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Thay đổi nhận thức, phong tục, thói quen tập quán, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Tạo động lực để người dân làm giàu thêm đối với hộ khá và tạo tư liệu sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí tự vươn lên thoát nghèo trên mảnh vườn của mình, không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước”.

Mô hình cải tạo vườn tạp trồng Dâu tây ở thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn).
Mô hình cải tạo vườn tạp trồng Dâu tây ở thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn).

Xã Thanh Vân là một trong những địa phương đi đầu thực hiện CTVT ở huyện Quản Bạ với trên 20 hộ thực hiện. Trong đó, mô hình bù đất, lấp đá cải tạo vườn ở thôn Thanh Long là điểm sáng của xã. Anh Dỉ Xuân Cường, Trưởng thôn Thanh Long cho biết: Trước khi Nghị quyết 05 được ban hành, phần lớn đất sản xuất của người dân chỉ trồng một vụ ngô rồi bỏ không. Thế nhưng đến nay, đã có 14 hộ thực hiện đổ đất lấp đá, tạo nền đất thịt dày 60 – 80 cm để CTVT, nương ngô để trồng rau màu hàng hóa. Ngoài đáp ứng nguồn rau xanh cho gia đình và phục vụ chăn nuôi, nhiều hộ có nguồn thu hàng tháng 2 - 3 triệu đồng từ bán rau. Đây là sự thay đổi lớn trong tư duy sản xuất kinh tế hộ của người dân trong thôn.

Thực hiện đúng quan điểm: Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau, CTVT phải được triển khai một cách đồng bộ từ các cấp, ngành đến người nông dân; Nghị quyết 05 đã đi vào cuộc sống khi có 6.462 hộ, đạt 99,41% so với mục tiêu đặt ra. Trong đó, số hộ được hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh là 2.997 hộ; số hộ thực hiện CTVT không phải hộ nghèo, cận nghèo, không thụ hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh 3.465 hộ. Tổng diện tích vườn đã cải tạo trên 600 ha. Trong đó một số địa phương như Đồng Văn, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Yên Minh đã xây dựng các mô hình điểm để các hộ học tập với lợi nhuận thu được hàng năm từ đầu tư trồng trọt, chăn nuôi trên 30 triệu đồng.

Để có được kết quả trên, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình CTVT từ tỉnh đến xã xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan trọng và nòng cốt để triển khai. Trong 3 năm, các huyện, thành phố tổ chức được 6.580 buổi tuyên truyền với trên 351 nghìn lượt người tham gia. Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền trên 6.300 buổi, trên 503 nghìn người tham gia. Báo Hà Giang mở chuyên mục “Vươn lên từ những mảnh vườn” trên báo in, báo điện tử với trên 300 tin, bài tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết 05, quá trình triển khai và kết quả thực hiện nghị quyết ở các cấp… Đài PT - TH tỉnh sản xuất 456 tin, 144 phóng sự ngắn, 24 phóng sự chuyên đề...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Qua 3 năm thực hiện, Nghị quyết 05 đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân; Nghị quyết đã thực sự đi vào đời sống, làm thay đổi nhận thức của người dân, không gian sinh sống của hộ gia đình được sắp xếp lại hợp lý, khoa học, ngăn nắp, thuận lợi - hợp vệ sinh; thôn xóm sạch - đẹp. Với sự kiên trì, bền bỉ, người nông dân đã gặt hái được “quả ngọt” từ những mảnh vườn và bước đầu thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập cho nhân dân.

Bài, ảnh: Duy Tuấn

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tạo đột phá hạ tầng giao thông

BHG - Xác định hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển KT - XH, vì vậy Đảng bộ huyện Bắc Mê huy động các nguồn lực đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, trong đó có nhiều công trình quan trọng, cấp thiết được khánh thành, đưa vào sử dụng góp phần quan trọng cho kinh tế, xã hội của huyện. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, hạ tầng giao thông huyện Bắc Mê có nhiều đột phá và là bước đệm quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT – XH, đảm bảo AN – QP.

30/12/2023
Phòng giao dịch Vĩnh Tuy đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

BHG - Không nằm ngoài “dòng chảy” chuyển đổi số của thế giới cũng như chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp trên, thời gian qua, Phòng giao dịch (PGD) Vĩnh Tuy đã tích cực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại địa phương.

30/12/2023
Nghị quyết 43 thúc đẩy phát triển KT - XH Hà Giang

BHG - Nghị quyết số 43 (Nghị quyết) của Quốc hội khóa XV về “Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH” sau đại dịch Covid – 19 được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội ngày 11.1.2022 được xem là chính sách chưa từng có tiền lệ, tác động lớn giúp phục hồi nền kinh tế của đất nước. Tại tỉnh ta, Nghị quyết đã thúc đẩy tăng trưởng KT – XH của tỉnh với tổng giá trị sản phẩm năm 2022 (GRDP) tăng 7,8% so với năm 2021, năm 2023 ước tăng 5,5% so với năm 2022.

29/12/2023
Hợp tác xã cộng đồng Nặm Đăm phát huy tốt giá trị cây dược liệu

BHG - Quản Bạ được biết đến là miền đất của nhiều loại dược liệu, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, những năm qua các sản phẩm dược liệu của huyện cửa ngõ Cao nguyên đá có cơ hội phát triển và vươn xa. Giờ đây, cây dược liệu giúp cho đồng bào dân tộc Dao ở Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) có thêm thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

29/12/2023