Tạo vành đai xanh bảo vệ biên cương Tổ quốc
BHG - Trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán đạt và vượt so với kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng được nâng lên; số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp có xu hướng giảm... Đây là những minh chứng quan trọng cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, ngành nói chung, lực lượng Kiểm lâm nói riêng trong thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo vành đai xanh bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; năm 2023, lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền gần 13.000 tin qua mạng xã hội (Zalo, Facebook); thực hiện 65 buổi tuyên truyền trong các trường học với hơn 23.800 lượt học sinh tham gia; tuyên truyền 115 buổi tại chợ phiên, 902 lượt qua loa phát thanh và phát 4.775 tờ rơi; tổ chức cho gần 76.000 hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Lực lượng Kiểm lâm huyện Mèo Vạc tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Kế |
Năm 2023, toàn tỉnh trồng gần 4.600 ha rừng tập trung, hơn 3,2 triệu cây phân tán (đạt 146,6% so với kế hoạch), chăm sóc trên 1.500 ha rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,9%, tăng 0,32% so với năm 2022, tương đương với hơn 467.300 ha rừng được tính tỷ lệ che phủ rừng. Qua điều tra 145 ô tiêu chuẩn của ngành Kiểm lâm cho thấy tỉnh ta không phát sinh ổ dịch sâu, bệnh hại cây rừng. Kết quả trên góp phần quan trọng nâng cao chất lượng rừng, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; phát huy tốt chức năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ biên giới, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, duy trì được nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Không những vậy, hệ thống rừng đã tạo nên môi trường, không gian xanh, nhất là tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá, phục vụ cho phát triển du lịch...
Để BVR trước sự xâm hại của “giặc lửa”, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các huyện tổ chức 6 cuộc diễn tập PCCCR; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCCCR các cấp, gồm: BCĐ cấp tỉnh/18 thành viên; 11 BCĐ cấp huyện/292 thành viên, 193 BCĐ cấp xã/4.439 thành viên; 448 đội xung kích PCCCR/5.335 thành viên và 1.990 tổ, đội quần chúng BVR-PCCCR/13.150 thành viên. Không những vậy, tỉnh ta còn đưa vào sử dụng 5 biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng điện tử. Các biển báo này được thiết kế thể hiện dự báo cháy rừng từ cấp 1 đến cấp 5, tương ứng với mức độ cảnh báo cháy rừng từ thấp đến cấp cực kỳ nguy hiểm; đồng thời, tự động thu nhận các yếu tố khí tượng để tính toán cấp dự báo cháy rừng và gửi tin nhắn kết quả đến số điện thoại của người quản lý biển báo. Điều này giúp cho việc quản lý cháy rừng hiệu quả hơn thay vì mất nhiều thời gian, công sức, không kịp thời thông tin cấp dự báo cháy rừng như phương pháp thủ công được dùng trước đây.
Cơ sở chế biến lâm sản Hoàng Ngọc, xã Hùng An (Bắc Quang) giúp nhiều lao động có việc làm ổn định. Ảnh: PHƯƠNG THÙY |
Trong năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 157 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 34 vụ so với năm 2022 và giảm 135 vụ so với năm 2021; đã xử lý hành chính 122 vụ, khởi tố hình sự 11 vụ, tịch thu 40,725 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1 tỷ đồng. Mặc dù số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp vẫn còn nhưng đang có xu hướng giảm. Điều này cho thấy cấp ủy, chính quyền tỉnh có sự điều hành linh hoạt, quyết liệt thông qua việc quán triệt, ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, BVR; sự chủ động của lực lượng Kiểm lâm trong công tác BVR, ngăn chặn, triệt phá các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, duy trì đầy đủ chế độ báo hàng ngày để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo, giải quyết vụ việc. Chính vì vậy, tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp cơ bản được kiểm soát tốt, không phát sinh điểm nóng về chặt phá rừng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý chia sẻ.
Đặc biệt, tỉnh ta còn đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ; đồng thời, áp dụng giải pháp lâm sinh hữu hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng, rút ngắn chu kỳ kinh doanh, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất sản xuất lâm nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 424 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Để quản lý chặt chẽ các cơ sở này, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy: Lâm sản nhập vào xưởng đều có nguồn gốc hợp pháp, không còn tình trạng chế biến lâm sản bất hợp pháp tràn lan như trước.
Xác định bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; hiện nay, tỉnh ta đang triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững theo tinh thần Nghị quyết 16, ngày 10.10.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%; toàn tỉnh trồng mới 19,7 triệu cây xanh; nâng tổng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) lên 15.600 ha; năng suất rừng trồng bình quân đạt 80 – 120 m3/ha/chu kỳ 7 năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 20% trong cơ cấu giá trị nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Như vậy, với diện tích và chất lượng rừng không ngừng tăng sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh ta thực hiện hài hòa các mục tiêu phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc