Hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội
BHG - Thể chế liên kết vùng KT - XH đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mỗi địa phương; nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó, tỉnh chú trọng công tác quy hoạch, phân cấp quản lý nhà nước, triển khai các dự án trọng điểm, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh liên kết các lĩnh vực, hướng đến mục tiêu năm 2030 xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Tháng 5.2023, tin vui đến với nhân dân trong tỉnh khi Lễ khởi công dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) được tổ chức. Dự án quy mô giai đoạn 1 gồm 2 làn xe, tổng mức đầu tư đoạn qua tỉnh Hà Giang trên 3.190 tỷ đồng. Đây là dự án giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía Bắc. Với quyết tâm cao, huyện Bắc Quang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, các nhà thầu không quản mưa, nắng, tích cực thi công nền đường, hầm chui dân sinh, lắp đặt các loại cống, công trình thoát nước, tổng giá trị sản lượng thực hiện trên công trường ước đạt trên 221 tỷ đồng, dự án đã giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giúp liên kết vùng các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. |
Cùng với dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, thực hiện khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm mang tính liên kết vùng khác như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐT.177, ĐT.178, ĐT.176B, đường Yên Minh - Mậu Duệ - Mèo Vạc, đường Phố Cáo - Đồng Yên đến giáp địa danh Lục Yên (Yên Bái). Dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc - Tiểu dự án tỉnh Hà Giang; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2 (Đoạn từ KM285+995 đến cầu Mè); xây dựng cầu mới nối Quốc lộ 2 với đường vành đai phía Nam thành phố thuộc dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Tiểu dự án tại Hà Giang.
Cùng với đó, tỉnh tập trung lập, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, làm cơ sở thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển KT - XH. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với một số đột phá, nhiệm vụ trọng tâm như: Ưu tiên phát triển 6 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; du lịch; kinh tế biên mậu; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ; giáo dục và đào tạo. Quy hoạch tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng: Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch bản sắc và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của vùng; xây dựng phát triển các đô thị mang kiến trúc bản sắc và hiện đại. Tổ chức các hoạt động KT - XH theo 4 hành lang kinh tế và 3 vùng phát triển KT - XH. Tỉnh hoàn thành phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Giang đến năm 2035; trung tâm hành chính cấp huyện, thành phố đều có đồ án quy hoạch chung, được điều chỉnh phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay; thành phố Hà Giang hoàn thành lập và phê duyệt 9 đồ án quy hoạch phân khu; 100% xã đã có đồ án quy hoạch chung xây dựng. Các quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện được chú trọng, trong đó đồ án quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 và đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin của địa phương và thông tin về vùng nhằm tăng cường chia sẻ, tiếp cận thông tin được đẩy mạnh như: Triển khai các dự án xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực về ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, văn hóa, chỉ số cải cách hành chính, quản lý hạ tầng số, dữ liệu người có công, hộ nghèo, cận nghèo, quản lý trẻ em, đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT.
Tỉnh chủ động đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển vùng và liên kết vùng như: Chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết phát triển sản phẩm nông nghiệp các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; chính sách trợ giúp xã hội, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người dân sinh sống tại các xã biên giới; chính sách cho phép kéo dài thời gian thông quan tại các cửa khẩu biên giới. UBND tỉnh tích cực phối hợp với các bộ, ngành T.Ư nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng nhằm đạt được mục tiêu phát triển chung.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hà Giang là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, cản trở phát triển KT - XH, việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế liên kết vùng KT - XH theo Nghị quyết số 57 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng, tạo không gian phát triển mới, có tính gắn kết, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo của từng đia phương, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc