Luồng sinh khí mới từ chuyển đổi cây trồng ở Pố Lồ
BHG - Xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) là một trong những xã biên giới còn nhiều khó khăn bởi địa hình chia cắt, nhiều dốc núi cao. Nơi đây đời sống của người dân vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp với chủ lực là lúa và các loại hoa màu mang tính tự cung tự cấp. Những năm gần đây cấp ủy, chính quyền địa phương đã tiến hành đưa những cây trồng theo hướng hàng hóa vào cho bà con sản xuất mang lại luồng sinh khí mới cho kinh tế, xã hội của người dân.
Thực hiện đột phá về phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch gắn với giảm nghèo bền vững, UBND xã Pố Lồ ngoài việc khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi, phát triển thêm các cây trồng có hiệu quả kinh tế như mận máu, lê... đã đưa thêm cây trồng mới như quế, Sa nhân tím, chè canh tác trên địa bàn.
Chị Sải Thị Nhương, thôn Cốc Mui Hạ chăm sóc vườn Dâu tây của gia đình. |
Cùng đồng chí Hù Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đến thôn Cốc Mui Hạ thăm vườn Dâu tây ở thôn. Trong những năm gần đây thôn Cốc Mui Hạ nổi bật ở trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì bởi là một trong những địa phương đầu tiên đưa Dâu tây một loại hoa quả giá trị cao vào trồng thâm canh trên đất ruộng vụ Đông. Sự mày mò, mạnh dạn của người dân đưa cây trồng giá trị này đã được gieo trồng thành công mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt tạo niềm tin về chuyển đổi cây trồng cho bà con các thôn ở xã Pố Lồ. Những thửa ruộng bậc thang chỉ canh tác một vụ Hè – Thu giờ đây đã bắt đầu trở thành những luống Dâu tây được chăm sóc và không chỉ mang đến thu nhập từ bán trái cây còn là một phần tạo ra sức hút du lịch vào mùa Đông của Pố Lồ. Những thửa ruộng trước đây bỏ hoang hoặc trồng rau lang, sắn của hộ ông Sải Chúng Phà nay đã là những luống Dâu tây sạch sẽ, xanh tốt chờ ngày bói quả. Vụ này ông Phà trồng hơn 2.000 bụi Dâu tây, những thửa ruộng sát nhà được ông cùng vợ con đánh luống, trải bạt ni lông ở chính giữa những bụi Dâu tây xanh mướt đã bắt đầu nở hoa. Ông Phà chia sẻ: Gia đình ông trồng Dâu tây được 4 năm nay, ý tưởng trồng loại cây này cũng bắt đầu từ khi ông xem trên báo chí và truy cập mạng thấy họ trồng và bán được giá trị kinh tế nên ông liều mình mua giống từ Sơn La về để trồng. Với kinh nghiệm trồng Dâu tây hơn 4 năm gia đình ông là một điểm đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức quả đặc sản nổi bật ở xã Pố Lồ. Ông cho biết thu nhập từ trồng Dâu tây mỗi năm cũng đạt từ 50-60 triệu đồng từ bán hoa quả và bán các nông sản kèm theo khi khách du lịch đến tham quan chụp ảnh vườn dâu. Ông dự kiến sẽ dựng thêm lều tạo nơi ăn nghỉ phục vụ nhu cầu của du khách trong mùa Dâu tây mới này.
Cũng ở thôn Cốc Mui Hạ, gia đình chị Sải Thị Nhương năm nay trồng 4.000 cây Dâu tây trên diện tích ruộng bậc thang vừa thu hoạch, những luống Dâu tây trên sườn núi được trồng theo kỹ thuật đang phát triển tốt. Để tạo hiệu quả cho cây Dâu tây sinh trưởng tốt gia đình chị lắp hệ thống phun nước đảm bảo độ ẩm cho cây, bón các loại phân hữu cơ giúp quả to, ngọt hơn. Trước đây, các đám ruộng này của gia đình sau khi thu hoạch lúa chỉ bỏ hoang hoặc trồng ít rau phục vụ gia đình, nhưng từ khi trồng Dâu tây đã giúp nhà chị thu về thêm từ 30-40 triệu đồng/năm.
Bên cạnh cây Dâu tây đã mang lại hiệu quả kinh tế thì cây quế, Sa nhân cũng đang được các thôn ở Pố Lồ đưa vào trồng bước đầu phát triển ổn định, phù hợp khí hậu. Trên thôn Cốc Có nơi có địa hình dốc cao, đất hoang hóa còn nhiều UBND xã đã vận động, tư vấn cho bà con khai khẩn đưa cây quế vào trồng. Hộ ông Lù Seo Thường một trong những người đi đầu đưa cây trồng mới vào địa bàn đã mạnh dạn trồng hơn 8 ha cây quế trên các vườn đồi của gia đình. Ông được cán bộ xã hướng dẫn chọn giống, đào hố để trồng cây và chăm sóc đạt hiệu quả nhất.
Sa nhân là một trong những giống cây dược liệu đang được trồng và kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế ở các vùng núi cao khí hậu lạnh. Hiện nay, ở các thôn có địa hình cao khí hậu phù hợp với loại cây dược liệu này như Cao Sơn Hạ, Cóc Sọc, Cóc Cái... đã trồng hơn 85 ha cây Sa nhân. Đây là một loại cây kinh tế có giá trị cao được thương lái thu mua mỗi năm, hiện diện tích gieo trồng đang phát triển tốt.
Phát triển kinh tế bền vững ở các thôn, bản vùng núi luôn là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền địa phương, một trong những hướng đi đúng đắn đó là chuyển đổi cây trồng phù hợp với địa hình, khí hậu. Xã Pố Lồ đang từng bước làm được điều này những loại cây có giá trị kinh tế đang thay thế cho những cây trồng kém năng suất, giá trị thấp mang tới luồng sinh khí mới trong lao động sản xuất của người dân. Tin rằng sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền cùng sự cố gắng, cần cù biết áp dụng kỹ thuật học hỏi kinh nghiệm của người dân sẽ là tiền đề để phát triển cây trồng theo hướng hàng hóa ở Pố Lồ mang lại hiệu quả kinh tế giúp người dân nơi đây có đời sống khấm khá.
Bài, ảnh: Trà Nhân
Ý kiến bạn đọc