Thúc đẩy phát triển nông thôn ở Quản Bạ

14:12, 07/11/2023

BHG - Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn vùng cao Quản Bạ đã có nhiều khởi sắc. Chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên, góp phần đảm bảo AN - QP tại khu vực biên giới.

Người dân thôn Thanh Long, xã Thanh Vân rất vui mừng vì con đường xuống cấp trước kia đã được nhà nước đầu tư sửa chữa, nâng cấp và mở rộng. Từ nay bà con đã có con đường mới rộng rãi, thuận tiện để đi lại, lưu thông hàng hóa. Anh Dỉ Xuân Cường, Trưởng thôn Thanh Long phấn khởi chia sẻ: “Nhờ có nhà nước đầu tư xây dựng con đường đi qua thôn Thanh Long nên người dân đã có con đường sạch, đẹp, thuận tiện cho việc chuyên chở nông sản về nhà, chở hàng hóa ra chợ bán. Từ ngày thực hiện Chương trình XDNTM đến nay, cuộc sống của bà con trong thôn đã thay đổi đáng kể, điện, đường, trường, trạm… đều được nâng cấp. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai đã giúp người dân có thu nhập khá, thậm chí có hộ đã vươn lên làm giàu”.

Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) chăm sóc cây Cà chua.
Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) chăm sóc cây Cà chua.

Thực hiện XDNTM, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đóng góp nhiều công sức, vật chất tham gia cùng nhà nước như hiến trên 13.300 m2 đất, đóng góp 15.300 ngày công lao động, đóng góp trên 1,8 tỷ đồng tiền mặt để XDNTM. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, UBND tỉnh đã cấp 1.624 tấn xi măng cho huyện thực hiện 206 đầu điểm công trình tại 12 xã và làm được 22,653 km đường giao thông các loại. Nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp và nhân dân đóng góp vào XDNTM được sử dụng trên cơ sở lấy ý kiến của người dân nên đảm bảo tính minh bạch, việc sử dụng nguồn lực phù hợp với nhu cầu người dân. Cấp xã và cộng đồng quyết định, giám sát đầu tư đảm bảo theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, có sự tham vấn, lấy ý kiến của người dân và sự giám sát của Ban giám sát cộng đồng.

Bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khang trang, sạch đẹp, bà con đã đầu tư công sức vào chỉnh trang, xây dựng nhà cửa, khuôn viên sạch đẹp. Vì vậy số lượng nhà tạm, nhà dột nát đang dần được xóa bỏ, thay thế bằng những căn nhà kiên cố, khang trang, đạt chuẩn theo quy định. Đồng thời, người dân cũng tích cực đóng góp tiền, ngày công, hiến đất... để cùng với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, y tế, nước sạch... từng bước đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa luôn được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, KT-XH. Số lượng gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, số “Thôn văn hóa” ngày càng tăng. Toàn huyện có trên 9.900 hộ đạt gia đình văn hóa; 90 thôn, tổ dân phố văn hóa.

Đến nay, huyện có 4 xã đạt tiêu chí về giao thông; 7 xã đạt tiêu chí về thủy lợi; 9 xã đạt tiêu chí về điện; 6 xã đạt tiêu chí về trường học; 4 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; 8 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 10 xã đạt tiêu chí về thông tin truyền thông; 6 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư; 3 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 7 xã đạt tiêu chí về lao động có việc làm; 3 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 6 xã đạt tiêu chí về trường học; 10 xã đạt tiêu chí về giáo dục và đào tạo; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, các xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực Nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. Huyện Quản Bạ đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP về chi phí thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm tham gia chu trình OCOP, in tem, bao bì. Hiện nay, toàn huyện có 28 sản phẩm đạt sao OCOP. Trong đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất đem lại thu nhập cao, các hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập mới và hoạt động hiệu quả hơn, từng bước giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 52,73%, số hộ cận nghèo là 12,84%.

Phát triển du lịch nông thôn cũng được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình XDNTM giai đoạn 2021-2025. Huyện Quản Bạ đã triển khai xây dựng nhiều điểm du lịch như: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ; địa điểm du lịch H’Mông, xã Đông Hà, Cán Tỷ; HTX dệt lanh xã Lùng Tám; hang động Lùng Khúy; hang Khố Mỷ; hoa đào thôn Vàng Chá Phìn, Chín Chu Lìn xã Cao Mã Pờ; Khu du lịch Thạch Sơn Thần xã Quyết Tiến... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, cùng sự đồng lòng của nhân dân, bộ mặt nông thôn vùng cao đã có nhiều thay đổi rõ nét, góp phần vào phát triển KT-XH ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

BHG - Sáng 31.10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Dự tại điểm đầu cầu tỉnh Hà Giang có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

31/10/2023
Nông sản Xín Mần khẳng định chất lượng trên thị trường xuất khẩu

BHG - Tính đến thời điểm này có 90 tấn củ cải muối của huyện Xín Mần đã thành công trong việc xuất khẩu vào Nhật Bản. Đây vốn được xem là thị trường khó tính với những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất.

31/10/2023
Chè Shan tuyết - Tinh hoa đất trời Tả Ván

BHG - Với những dãy núi có độ cao trung bình từ 1.000 – 1.600 m, từ nhiều năm qua người dân xã Tả Ván (Quản Bạ) đã trồng chè trên các sườn núi cao. Những búp chè ngậm sương tươi mát mang đậm tinh hoa đất trời, đã tạo ra loại thức uống làm say đắm lòng người thưởng trà.

30/10/2023
Hỗ trợ nguồn vốn vay hiệu quả cho bà con vùng biên giới Vị Xuyên

BHG - Với mục tiêu “Đưa tín dụng nông nghiệp đến toàn thể khách hàng”, thời gian qua, Agribank Thanh Thủy phụ trách 5 xã của huyện Vị Xuyên, gồm: Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải và Phương Tiến, trong đó có 4 xã biên giới và 1 xã nội địa. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng tới người dân, Agribank Thanh Thủy đã triển khai nhiều chính sách vay vốn ưu đãi cho nông dân. Đồng thời, rút ngắn thời gian xét duyệt và giải ngân vốn vay, lãi suất ưu đãi,… Qua đó, cơ bản hoàn thiện mục tiêu giúp người nông dân có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

29/10/2023