Tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân gắn bó với rừng
BHG - Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn xã Tân Trịnh (Quang Bình) đã nỗ lực làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) để rừng luôn phát triển xanh tốt và công sức giữ rừng của bà con đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình, góp phần thực hiện hóa mục tiêu giảm nghèo và phát triển KT - XH tại địa phương.
Thôn Mác Thượng là địa bàn có đa số người dân tộc Pà Thẻn sinh sống. Những năm qua, cùng nguồn lực hỗ trợ của các dự án trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, người dân đã được hưởng lợi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Toàn thôn có diện tích cung ứng DVMTR năm 2021 đạt 639 ha, tổng số tiền được chi trả là 54 triệu đồng. Ngoài số tiền chi trả cho tập thể, có 68 hộ trực tiếp nhận được tiền DVMTR. Việc thanh toán tiền DVMTR đầy đủ, kịp thời đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc QLBVR, nhất là những cánh rừng phòng hộ, đầu nguồn. Cùng với đó, rừng ngày càng được phủ xanh với những giống cây gỗ tốt như cây keo lai, quế. Khi giá trị kinh tế rừng tăng cao, đời sống của đồng bào cũng đã dần thay da đổi thịt, nhiều hộ làm được nhà ở kiên cố, sắm được ti vi, xe máy.
Cán bộ kiểm lâm huyện Quang Bình tuyên truyền người dân xã Tân Trịnh chăm sóc và bảo vệ rừng trồng. |
Ông Phù Văn Quang, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ tuần tra, bảo vệ rừng thôn Mác Thượng cho hay: “Thông thường các thành viên của Tổ đi tuần tra, kiểm đếm cây gỗ quý trong rừng ít nhất 1 lần/tháng. Trong thôn cũng có quy ước, nếu hộ nào chăn thả gia súc vào khu vực rừng trồng, xâm lấn đất rừng, đốt rừng làm nương rẫy sẽ bị phạt tùy theo mức độ. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận trong bảo vệ rừng, không để rừng bị xâm hại, khai thác lâm sản và nguồn lợi trái phép từ rừng. Sau khi nhận tiền khoán bảo vệ rừng, một phần Tổ chi trả ngày công đi tuần rừng cho các thành viên, phần còn lại Ban quản lý quỹ phát triển thôn họp, thống nhất đầu tư tu sửa, xây dựng các công trình phúc lợi của thôn. Năm ngoái, với số tiền chung của tập thể là 38,5 triệu đồng, thôn đã làm cổng chào văn hóa Nông thôn mới sạch đẹp, khang trang”.
Xã Tân Trịnh có tổng diện tích rừng tự nhiên trên 5.177 ha. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ là 1.500 ha; rừng sản xuất là 1.971 ha; diện tích cung ứng DVMTR là 2.265 ha tại 10 thôn. Năm 2022, tiền chi cho công tác QLBVR theo kế hoạch năm 2021 của UBND xã là 130 triệu đồng; chi khoán DVMTR cho cộng đồng các thôn là 145 triệu đồng và chi cho 417 hộ gia đình là 134 triệu đồng. Dù là năm đầu tiên xã thực hiện chi trả tiền DVMTR đến cá nhân, hộ gia đình, song qua kiểm tra, giám sát, đánh giá ở cơ sở, quá trình triển khai nghiêm túc, người dân được quyết định các khoản chi đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng. Nguồn tiền DVMTR đã tác động tích cực đến đời sống của những người làm nghề rừng, đặc biệt là cộng đồng dân cư sinh sống gần rừng, giúp bà con có thêm việc làm, sinh kế ổn định, yên tâm gắn bó với rừng.
Đồng chí Hoàng Văn Ích, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Quang Bình phụ trách xã Tân Trịnh cho biết: “Phần lớn rừng được giao khoán bảo vệ chủ yếu là những nơi điều kiện địa hình phức tạp, xa khu vực dân cư và dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng nhưng đến nay xã Tân Trịnh giữ gìn khá tốt những cánh rừng tự nhiên đang có, tăng diện tích và chất lượng rừng trồng, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển lâm nghiệp. Dựa trên chính sách chi trả DVMTR và chính sách phát triển lâm nghiệp của tỉnh, lực lượng kiểm lâm sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn các dấu hiệu, hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng đến mọi tầng lớp nhân dân để cùng chung tay giữ rừng vì cuộc sống của chúng ta hôm nay và mai sau”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc