“Chắc làm, chắc thắng” đem lại hiệu quả kinh tế sản xuất cây vụ Đông

10:04, 14/11/2023

BHG - Với mục tiêu gieo trồng 14.466 ha cây vụ Đông trong năm 2023, ngay sau khi thu hoạch xong vụ Mùa, bà con nông dân trong toàn tỉnh đã khẩn trương ra đồng ruộng làm đất, đảm bảo tiến độ sản xuất theo kế hoạch đề ra. Theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh, sản xuất vụ Đông với phương châm “Chắc làm, chắc thắng” và mở rộng diện tích gieo trồng, sản xuất theo hướng tập trung nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Nhiều năm nay, việc trồng và chăm sóc cây vụ Đông đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người nông dân xã Vĩ Thượng (Quang Bình). Bởi vậy, bà con hoàn toàn chủ động trong sản xuất nông nghiệp để đảm bảo cơ cấu giống và khung thời vụ. Theo kế hoạch, toàn xã gieo trồng gần 200 ha cây vụ Đông, chủ yếu là cây ngô, Khoai lang, Khoai tây và các loại rau, đậu. Với không khí lao động tích cực, nhanh chóng, đến thời điểm này, xã cơ bản hoàn thành diện tích gieo trồng cây vụ Đông, một số nơi triển khai sớm, cây rau, đậu đã vươn mầm xanh tốt và sắp đến ngày thu hoạch.

Cán bộ khuyến nông xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình (thứ 2 bên phải) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây ngô.
Cán bộ khuyến nông xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình (thứ 2 bên phải) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây ngô.

Chị Phạm Thị Luận, thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng phấn khởi cho biết: “So với mọi năm, thời tiết năm nay khá thuận lợi, mưa thuận gió hòa nên từ đầu tháng 9 nhà tôi đã làm đất trồng xen cây rau cải Đông dư và Bắp cải với diện tích 1.500 m2. Bây giờ, khi rau cải Đông dư được bán thì cây Bắp cải cũng đang cuốn lá, khoảng giữa tháng 11 là được thu hoạch. Ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương, các sản phẩm cây trồng trong vụ Đông được nhiều thương lái ở các vùng lân cận đến thu mua, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình”.

Vụ Đông năm 2023, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) phấn đấu gieo trồng hơn 100 ha, nhóm cây trồng chính là rau chuyên canh, ngô và hoa Tam giác mạch, hoa Cải vàng để phục vụ phát triển du lịch. Theo ghi nhận, không chỉ riêng những thôn vùng thấp, ở 2 thôn vùng cao Cao Bành và Gia Vài, bà con giờ cũng đã cải tiến rất nhiều, có hộ đã đầu tư máy móc, tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Ngoài ra, có những hộ mạnh dạn thí điểm trồng rau trái vụ, Dưa lê, Dưa hấu.

Bà con thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) trồng rau vụ Đông trái vụ.
Bà con thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) trồng rau vụ Đông trái vụ.

Xác định rõ mục tiêu ngay từ đầu vụ, các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết vụ Đông cho địa phương. Những khu vực trọng điểm về phát triển nông nghiệp tiếp tục triển khai phương án dồn điền, đổi thửa, hình thành vùng sản xuất chuyên canh theo thế mạnh. Cơ cấu nhóm cây ưa ấm chiếm tỷ lệ khoảng 55%, nhóm cây ưa lạnh chiếm khoảng 45% và ưu tiên các chân ruộng đất tốt, hệ thống kênh mương ổn định để chuyển sang trồng rau, củ, quả. Riêng đối với diện tích trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi thực hiện tại 4 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì là 651 ha được khoanh vùng trồng tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thu mua, vận chuyển sản phẩm.

Đồng chí Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Vụ Đông đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ngành Nông nghiệp đang thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác khuyến nông; dự báo, dự tính phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ thực vật. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất cho nông dân theo nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo mối liên kết giữa nông dân, nhà nước, khoa học kỹ thuật và doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, bảo quản, tiêu thụ nông sản”.

Với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân, trên những cánh đồng, đồi nương đang dần được phủ xanh bởi các loại cây trồng vụ Đông, mang hy vọng về một mùa vụ bội thu, phấn đấu đạt mục tiêu sản lượng ngô bắp cho thu hoạch trên 5.000 tấn; ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi trên 14.000 tấn; hạt Tam giác mạch 273 tấn; rau, đậu, Khoai lang, Khoai tây trên 70.000 tấn.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông sản Xín Mần khẳng định chất lượng trên thị trường xuất khẩu

BHG - Tính đến thời điểm này có 90 tấn củ cải muối của huyện Xín Mần đã thành công trong việc xuất khẩu vào Nhật Bản. Đây vốn được xem là thị trường khó tính với những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất.

31/10/2023
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

BHG - Sáng 31.10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Dự tại điểm đầu cầu tỉnh Hà Giang có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

31/10/2023
Chè Shan tuyết - Tinh hoa đất trời Tả Ván

BHG - Với những dãy núi có độ cao trung bình từ 1.000 – 1.600 m, từ nhiều năm qua người dân xã Tả Ván (Quản Bạ) đã trồng chè trên các sườn núi cao. Những búp chè ngậm sương tươi mát mang đậm tinh hoa đất trời, đã tạo ra loại thức uống làm say đắm lòng người thưởng trà.

30/10/2023
Hỗ trợ nguồn vốn vay hiệu quả cho bà con vùng biên giới Vị Xuyên

BHG - Với mục tiêu “Đưa tín dụng nông nghiệp đến toàn thể khách hàng”, thời gian qua, Agribank Thanh Thủy phụ trách 5 xã của huyện Vị Xuyên, gồm: Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải và Phương Tiến, trong đó có 4 xã biên giới và 1 xã nội địa. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng tới người dân, Agribank Thanh Thủy đã triển khai nhiều chính sách vay vốn ưu đãi cho nông dân. Đồng thời, rút ngắn thời gian xét duyệt và giải ngân vốn vay, lãi suất ưu đãi,… Qua đó, cơ bản hoàn thiện mục tiêu giúp người nông dân có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

29/10/2023