Đảm bảo cân đối, ổn định tài chính cho nền kinh tế
BHG - Đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của nhân dân. Trên cơ sở nhận diện rõ khó khăn, thách thức, tỉnh ta đã chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tài khóa nhằm vượt khó, tạo bứt phá, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Vượt khó thu ngân sách nhà nước
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Bắc Quang – Quang Bình kiểm tra sổ sách đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai. |
Năm 2023, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh được T.Ư giao 2.226 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 3.000 tỷ đồng. Trong đó, thu NSNN từ tiền sử dụng đất được T.Ư giao 300 tỷ đồng (chiếm 13,4% dự toán giao), HĐND tỉnh giao 800 tỷ đồng (chiếm 26,6% dự toán giao). Trong 9 tháng của năm 2023, thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 1.360 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch T.Ư giao và 45,3% kế hoạch tỉnh giao, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn về khả năng thực hiện dự toán thu NSNN năm 2023 trên địa bàn tỉnh chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán T.Ư, 67,4% dự toán tỉnh giao. Dự kiến 6/12 địa bàn hụt thu từ 12 – 249 tỷ đồng tiền thuế, phí (trừ thu tiền sử dụng đất) gồm: Huyện Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quản Bạ, Mèo Vạc và Văn phòng Cục Thuế tỉnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số thu NSNN đạt thấp như việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế theo quy định của T.Ư để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, làm giảm thu khoảng 190,9 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, toàn tỉnh có đến 4.565 lượt người nộp thuế nghỉ kinh doanh, tăng 23,8%. Nhiều doanh nghiệp thủy điện không đạt công suất phát điện (do lượng nước những tháng đầu năm ít); thực hiện bảo trì, bảo dưỡng làm tăng chi phí dẫn đế kê khai thuế giảm như: Công ty Cổ phần Thủy điện Thái An giảm 51,2%, nộp thuế giảm 17 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa giảm 56,3%, nộp thuế giảm 10 tỷ đồng. Riêng với khoản thu tiền sử dụng đất, toàn tỉnh mới thu được 78 tỷ đồng, giảm 108 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn...
Trước thực tế trên, UBND tỉnh kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2023. Trong đó, yêu cầu cơ quan thu và UBND 11 huyện, thành phố thực hiện nghiêm công tác quản lý các khoản thu nộp vào NSNN theo quy định của pháp luật. Thường xuyên đánh giá, phân tích, dự báo những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, những khoản hụt thu do tác động bởi cơ chế chính sách và nguyên nhân khách quan để có giải pháp tăng thu các khoản còn dư địa, phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN gắn với tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào những doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm có độ rủi ro cao, hoạt động tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trên nền tảng số. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu của quy trình quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế...
Công ty TNHH MTV Pháo Nhung, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) sản xuất ván bóc, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách. |
Hiện nay, Sở Tài chính phối hợp với cơ quan liên quan rà soát nhiệm vụ chi bố trí dự toán giao đầu năm 2023 nhưng đến nay chưa thực hiện hoặc không có khả năng triển khai giải ngân để tham mưu UBND tỉnh cắt giảm, giãn hoãn, dành nguồn lực bù hụt thu cân đối NSNN; đồng thời tập trung các nguồn lực, xây dựng phương án để đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính
Tăng cường công tác quản lý tài chính - NSNN, nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền tỉnh nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, cơ cấu lại NSNN theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả để đáp ứng các yêu cầu nguồn lực cho phục hồi và phát triển KT-XH. 9 tháng của năm 2023, tỉnh ta thực hiện chi ngân sách địa phương 13.317 tỷ đồng, bằng 57,2% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao, đảm bảo chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ, chính sách, hỗ trợ tốt nhất cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 43%, chi thường xuyên bằng 63,5%, chi dự phòng ngân sách đạt 39% so với kế hoạch.
Nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, Sở Tài chính tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực tế việc triển khai, quản lý, sử dụng kinh phí 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tại các huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp; hướng dẫn cấp huyện, xã về trình tự thực hiện và hồ sơ, chứng từ thanh toán, quyết toán một số nội dung chi thuộc nguồn vốn sự nghiệp 3 chương trình MTQG, giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt, Sở Tài chính còn tiến hành thẩm tra quyết toán 40 dự án hoàn thành theo tiến độ nộp hồ sơ quyết toán của chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự án duyệt 1.413,043 tỷ đồng. Qua thẩm tra quyết toán giảm 38,474 tỷ đồng so với dự toán duyệt và giảm 18,016 tỷ đồng so với quyết toán A-B đề nghị. Không những vậy, thông qua 6 cuộc thanh tra công tác lập, chấp hành và quyết toán NSNN, công tác quản lý tài chính tại các cơ quan, đơn vị, ngành Tài chính kịp thời phát hiện những vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính với số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra gần 4,5 tỷ đồng để kiến nghị xử lý theo quy định.
Đặc biệt, cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các cấp, ngành chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính – NSNN, trọng tâm là công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính – NSNN; đầu tư công, tài sản công, quản lý giá, thẩm định giá; tăng cường công tác quyết toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch; thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị, kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước. Đây là minh chứng quan trọng cho thấy quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính – NSNN. Qua đó, đáp ứng các yêu cầu nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững trên dải đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc