Hoàng Su Phì nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả
BHG - Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì đã tập trung khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân, giúp cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Với diện tích ruộng bậc thang lớn, Hoàng Su Phì có nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển sản phẩm gạo đặc sản chất lượng cao gắn với nuôi cá Chép ruộng, vừa phục vụ du lịch, vừa tạo sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Vụ Hè - thu năm nay, gia đình ông Vương Văn Hón, xã Bản Luốc trồng trên 3.500 m2 lúa chất lượng cao, chủ yếu là giống lúa Già dui và Nếp cái địa phương. Ông Hón cho biết: Với đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, gạo của Bản Luốc từ lâu nổi tiếng dẻo, đậm đà và thơm ngon. Vài năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, xã, gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao. Sau khi thu hoạch, lúa của người dân được các doanh nghiệp, HTX đến thu mua với giá thành ổn định. Các gia đình rất phấn khởi, yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết hợp thả cá Chép ruộng sau khi cấy lúa, vừa góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, vừa tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.
Các ngành chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân xã Nậm Ty cải tạo vườn chè Shan tuyết. |
Phát triển gạo chất lượng cao gắn với sản phẩm cá Chép ruộng được Hoàng Su Phì xác định là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Huyện đang tập trung mở rộng mô hình trồng lúa Nếp cái địa phương, lúa Già dui gắn với nuôi cá Chép ruộng ở các xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp như Bản Luốc, Ngàm Đăng Vài, Tả Sử Choóng, Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài... Đến nay, toàn huyện duy trì mô hình trồng lúa Nếp cái với diện tích 75 ha, năng suất bình quân đạt trên 42 tạ/ha, sản lượng 315 tấn; lúa Già dui 46 ha, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha. Huyện đã kết nối với các doanh nghiệp, HTX đứng ra ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo chuỗi giá trị gạo chất lượng cao cho các hộ dân. Với sản phẩm cá Chép ruộng, qua tổng hợp thống kê tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có 5.600 hộ nuôi cá, diện tích thả 1.960 ha, sản lượng 62 tấn, giá trị 6,2 tỷ đồng, góp phần đáng kể trong việc cải thiện thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, huyện cũng chú trọng nhân rộng các mô hình như: Sản xuất và chế biến chè; trồng cây ăn quả bản địa (Lê, mận Máu); trồng rau hữu cơ; chăn nuôi theo hướng hàng hóa; nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sông chảy 3; trồng Dưa hấu, trồng dược liệu... Đặc biệt, chương trình cải tạo vườn tạp được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và nhân rộng. Đến nay, toàn huyện có 365 hộ thực hiện với tổng diện tích vườn đã cải tạo là 292.706 m2, với mức thu nhập bình quân đạt từ 18 - 25 triệu đồng/hộ/năm; cao hơn 2 - 3 lần so với trước khi thực hiện cải tạo vườn.
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lực lao động tại địa phương, huyện đặc biệt chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng số lao động của huyện được tạo việc làm mới là 7.111 người. Trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh là 2.060 người; lao động đi làm việc tại các công ty, đơn vị ngoài tỉnh là 5.605 người, với thu nhập bình quân từ 4 - 11 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, lao động làm việc tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (tỉnh Quảng Ninh) có thu nhập bình quân từ 18-25 triệu đồng/người/tháng. Góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay giải quyết việc làm cho người dân. Trong giai đoạn 2021 - 2023, đã giải ngân cho vay 34.574 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm mới cho 1.243 người.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Triệu Sơn An cho biết: Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh qua từng năm. Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,07%; năm 2022 giảm 5%; ước năm 2023 giảm 7,3%. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt chỉ đạo và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường triển khai các chương trình cho vay giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất. Chú trọng hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị...
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc