Sức sống mới ở Bản Phùng
BHG - Những năm gần đây, xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) được đông đảo khách du lịch biết đến như một điểm đến mới trên vòng cung du lịch từ Cao nguyên đá Đồng Văn - Danh thắng ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì đến huyện Bắc Hà, Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Để đến được Bản Phùng phải đi qua con đường độc đạo hiểm trở từ km 76 tỉnh lộ 177 Bắc Quang - Xín Mần dài 14 km uốn quanh ven suối Đỏ - một trong những nhánh suối thượng nguồn sông Chảy hùng vĩ.
Làng Văn hóa du lịch thôn Na Léng, xã Bản Phùng. Ảnh: Chí Thành |
Bản Phùng không chỉ đẹp bởi thiên nhiên hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang trải dài quanh sườn núi, những ngôi nhà sàn nằm xen lẫn ruộng bậc thang của 511 hộ, 2.817 nhân khẩu, trong đó dân tộc La Chí chiếm 98,9%, mà còn hấp dẫn du khách bởi những nét văn hóa truyền thống độc đáo được cộng đồng ở đây bảo tồn gìn giữ qua hàng nghìn năm. Đến Bản Phùng vào thời gian nông nhàn, du khách sẽ được trải nghiệm nghề truyền thống trồng bông dệt vải của người La Chí với 18 công đoạn hết sức cầu kỳ, phức tạp, từ khâu trồng bông, tách hạt, se sợi, dệt, nhuộm vải để thêu và may thành những bộ trang phục truyền thống. Hiện nay người La Chí là một trong số ít những dân tộc khu vực các tỉnh phía Bắc sử dụng trang phục truyền thống được thêu dệt hoàn toàn thủ công.
Theo Nghệ nhân ưu tú Ly Chính Thanh, thôn Cum Pu, xã Bản Phùng cho biết: Các nhóm người La Chí đầu tiên di cư đến sinh sống tại các xã Bản Díu, Nàn Xỉn của huyện Xín Mần và các xã Bản Phùng, Bản Máy của huyện Hoàng Su Phì cách đây hơn 800 năm. Ở Bản Díu và Bản Máy có sự giao thoa mạnh mẽ với nhóm dân tộc Tày, duy chỉ có nhóm người La Chí ở Bản Phùng vẫn giữ nguyên những giá trị văn hóa truyền thống của họ. Hiện nay, xã Bản Phùng sở hữu 2 di sản văn hóa Quốc gia là danh thắng ruộng bậc thang và Tết khu cù tê cùng một di sản văn hóa cấp tỉnh là khu mộ cổ dân tộc La Chí. Người La Chí là một trong những dân tộc có nhiều kinh nghiệm về canh tác ruộng bậc thang. Trải qua hàng trăm năm, với bàn tay cần cù và khối óc sáng tạo, dân tộc La Chí xã Bản Phùng đã khai phá được 196 ha ruộng bậc thang, bình quân mỗi hộ có 0,4 ha. Trước đây hầu hết các chân ruộng của xã đều cấy lúa 1 vụ nên hiệu số sử dụng đất thấp. Vài năm trở lại đây với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, các hộ gia đình đã biết luân canh, xen canh các loại cây trồng trên các thửa ruộng để tăng thêm thu nhập.
Nhằm phát huy tiềm năng lợi thế về văn hóa, cảnh quan môi trường, từ năm 2016, nhiều hộ ở xã Bản Phùng đã cải tạo, nâng cấp nhà ở thành các homestay để cung cấp dịch vụ cho khách du lịch đến tham quan ruộng bậc thang và trải nghiệm văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, vào mùa lúa chín, xã cũng tổ chức các hoạt động văn hóa để thu hút khách du lịch. Năm 2022, có 2.460 lượt khách đến xã, doanh thu từ du lịch đạt trên 1 tỷ đồng.
Đến Bản Phùng hôm nay dễ nhận thấy sự đổi thay mạnh mẽ. Với sự quan tâm của Nhà nước, các công trình phúc lợi công cộng như trường học, trạm xá, trụ sở xã và các thôn, đường giao thông, chợ nông thôn được xây dựng khang trang, tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho xã Bản Phùng, tạo điều kiện tích cực cho người dân xóa bỏ các hủ tục, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế. Cuộc sống người dân đang ngày càng khởi sắc.
Trần Trí Nhân (Hoàng Su Phì)
Ý kiến bạn đọc