Mùa mận Máu

08:03, 23/06/2023

BHG - Hè sang, kéo theo cái nắng oi ả cũng là lúc những nông dân ở huyện Hoàng Su Phì bước vào vụ thu hoạch mận Máu. Trên các sườn đồi, lấp ló sau tán lá xanh là những chùm mận chín đỏ mọng. Tiếng nói cười của nông dân vang vọng, sau lưng gánh những gùi mận đỏ tươi như gánh cả mùa no ấm về nhà.

Những vườn mận Máu trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Những vườn mận Máu trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Đến thôn Sưi Thầu, xã Chiến Phố vào những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con đang khẩn trương thu hoạch mận Máu. Từng gùi mận đỏ tươi vừa hái trên đồi được người dân nhanh chóng chuyển xuống chợ trung tâm huyện bán, hoặc bán buôn cho các thương lái đến thu mua. Bà Tải Thị Chúm, thôn Sưi Thầu cho biết: Gia đình có trên 2 ha mận Máu. Trước đây do giá bán thấp, chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình nên chúng tôi ít chú trọng chăm sóc vườn mận, ít khi tỉa cành, làm cỏ, bón phân cho cây. Những năm gần đây, giá bán mận Máu cao gấp nhiều lần, dao động từ 30 đến 80 nghìn đồng/kg, lại có HTX trên địa bàn trực tiếp đến thu mua. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây mận Máu, các gia đình trong thôn đã chủ động chăm bón cho cây, một số hộ còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, sử dụng nilon bọc quả non để tránh tác động của côn trùng. Bình quân mỗi năm, thu nhập từ vườn mận Máu của gia đình tôi đạt từ 40 - 60 triệu đồng, góp phần đáng kể trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Mận Máu Hoàng Su Phì khi chín có màu đỏ thẫm bắt mắt.
Mận Máu Hoàng Su Phì khi chín có màu đỏ thẫm bắt mắt.

Chủ tịch UBND xã Chiến Phố, Lù Seo Seng cho biết: Toàn xã hiện có 154,7 ha mận Máu, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 35 ha. Trong năm 2022, xã đã vận động nhân dân trồng mới được 14 ha. Thời gian qua, chính quyền xã đã tăng cường phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo, chăm sóc vườn mận cho người dân. Tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây đúng mật độ, đốn tỉa, tạo tán đúng kỹ thuật, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc cây, hướng đến phát triển bền vững cây mận Máu địa phương theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Mận Máu là giống mận bản địa, có độ thơm và chát đặc biệt so với mận Tam hoa, mận Hậu ở các địa phương khác. Mận Máu là tên do chính người dân bản địa đặt cho giống mận này do khi cắt quả có màu đỏ sậm, ngọt chắc, ít chua. Đến nay, huyện Hoàng Su Phì có trên 400 ha mận Máu, sản lượng bình quân đạt từ 500 – 1.000 tấn/vụ. Diện tích mận Máu tập trung ở các xã có khí hậu mát mẻ như: Chiến Phố, Thàng Tín, Pố Lồ, Đản Ván, Thèn Chu Phìn. Thời gian gần đây, huyện cũng đẩy mạnh phát triển tại các xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp như: Bản Phùng, Túng Sán, Nàng Đôn. Giống mận này có đặc điểm khi chín quả mọng, vỏ đỏ, vị ngọt thanh được mọi người ưa chuộng, giá thành dao động từ 30 - 80 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến hơn 100 nghìn đồng/kg. Đây là loại mận chín muộn hơn so với các giống mận khác, vào khoảng cuối tháng 6 mới cho thu hoạch nên thường được giá cao.

Xác định đây là giống cây ăn quả bản địa có giá trị kinh tế cao, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai một số cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích như: Hỗ trợ cây giống; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo vườn mận cho các hộ nông dân. Đặc biệt, các cơ quan của huyện đã phối hợp với các đơn vị xây dựng nhãn hiệu chứng nhận mận Máu Hoàng Su Phì và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Mận máu Hoàng Su Phì” vào ngày 22.6.2022. Thông qua việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận đã góp phần tạo liên kết trong chuỗi sản xuất giữa các hộ dân với doanh nghiệp, HTX và từ doanh nghiệp, HTX kết nối với thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có một số HTX thu mua mận của bà con giúp người dân tiết kiệm được chi phí vận chuyển và yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Đặc biệt, HTX Thương mại dịch vụ nông, lâm sản Chiến Phố còn chế biến một số sản phẩm từ mận Máu như: Siro mận, mận sấy dẻo, mứt mận, rượu mận... nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng.

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, đầu năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra mưa đá vào thời điểm cây mận đang đậu quả non, do vậy ảnh hưởng đến sản lượng mận Máu năm nay. Tuy nhiên, giá thành vẫn cao, hiện nay bà con đang chuẩn bị thu hoạch rộ. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích ở những khu vực có khí hậu phù hợp, ứng dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây, hướng đến phát triển bền vững cây mận Máu bản địa.

Bài, ảnh: YÊN HOA


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển cây ăn quả trên vùng biên Nghĩa Thuận
BHG - Nghĩa Thuận là một xã biên giới của huyện Quản Bạ, nằm cách trung tâm huyện 20 km về phía Bắc. Trong những năm qua, người dân trên địa bàn xã mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hướng đi này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi diện mạo nơi phên giậu của Tổ quốc.
22/06/2023
Đồng Văn đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
BHG - Nâng cao năng suất, chất lượng và từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Văn quan tâm triển khai thực hiện, bước đầu đã làm thay đổi phương thức và tư duy sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
22/06/2023
Yên Hà trồng cây Sâm cát
BHG - Đã có ít nhất trên 5 ha cây Sâm cát được trồng phát triển tốt. Sâm cát, một loài dược liệu tiềm năng được liên kết trồng tại xã Yên Hà (Quang Bình); HTX bắt tay với doanh nghiệp cùng đầu tư trồng, cùng chia lợi ích, một cây trồng mới cùng với hướng đi, cách làm mới.
22/06/2023
Chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư với tỉnh Hà Giang
BHG - Trước thềm Diễn đàn điều phối lần thứ nhất thúc đẩy sự phát triển tư nhân, tạo cơ hội cho đồng bào DTTS do Ủy ban Dân tộc tổ chức vào ngày 23.6 tại tỉnh Yên Bái, sáng 22.6, đoàn công tác Ngân hàng Châu Á (ADB) đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang nhằm thảo luận những vấn đề liên quan đến hoạt động Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực thể chế thực hiện Đề án tổng thể phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030”. Tham dự buổi làm việc có đại diện Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, tổ chức Plan Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
22/06/2023