Khởi nghiệp từ trồng nho Hạ đen trên Cao nguyên đá
BHG - Thực hiện Tám lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm tỉnh Hà Giang năm 1961. Trong đó, Người căn dặn, đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất, cải tiến nông cụ, phương thức sản xuất; trồng cây ăn quả và cây làm thuốc… Đoàn viên Lù Mí Thắng, xã Lùng Tám (Quản Bạ) đã mạnh dạn khởi nghiệp nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Vườn nho Hạ đen đang độ ra quả của đoàn viên Lù Mí Thắng, xã Lùng Tám (Quản Bạ). |
Đến thăm vườn nho xanh tốt đang trong kỳ ra quả của đoàn viên Lù Mí Thắng, mọi người không khỏi khâm phục nỗ lực của chàng trai trẻ dân tộc Mông. Sinh năm 2001, thanh niên Lù Mí Thắng lại có quyết định khác hẳn so với các bạn cùng trang lứa là sau khi học xong cấp 3, Thắng không theo học các trường chuyên nghiệp mà lựa chọn ở lại quê hương để phát triển kinh tế. Sau khi tìm hiểu thấy giống cây nho Hạ đen đã được nhiều người trồng thành công ở rất nhiều nơi, có sẵn niềm đam mê của tuổi trẻ, đầu năm 2021 Thắng đã quyết định mua giống cây nho từ trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang về trồng. Được gia đình ủng hộ tuy nhiên nguồn vốn ít ỏi, Thắng và gia đình đã bàn bạc vay thêm 30 triệu đồng theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để đầu tư xây dựng vườn nho.
Suy nghĩ đi đôi với việc làm, Thắng đã mạnh dạn khởi nghiệp đưa vào trồng 168 gốc nho Hạ đen không hạt với tổng diện tích 500 m2. Thắng chia sẻ: “Những ngày đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, từ việc tìm mua vật liệu về dựng giàn nho, do tại địa phương không có sẵn nên em phải về tận thành phố Hà Giang để mua mang lên Quản Bạ. Vườn nho còn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, đây là kỹ thuật mới nên em cũng phải mất công tìm hiểu. Mất mấy tháng trời mới dựng xong được vườn nho có đầy đủ mái che, giàn đỡ, hệ thống tưới tiêu... tiêu tốn khoảng hơn 100 triệu đồng”. Năm đầu đưa cây vào trồng còn gặp nhiều khó khăn do đây là giống cây mới, bản thân Thắng lại chưa có nhiều kỹ thuật nên cây trồng gặp phải các bệnh như nấm, sương mai, dẫn đến quả ít và cho thu hoạch không cao. Rút kinh nghiệm từ năm đầu tiên, sang năm thứ hai nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, biết cách theo dõi phòng, trừ sâu bệnh nên mô hình trồng nho của Thắng đã phát triển tốt và cho sai quả.
Nho Hạ đen là giống nho có nhiều ưu điểm vượt trội như thịt quả dày, giòn, có mùi thơm dịu, ngọt và đặc biệt là không có hạt, rất được thị trường ưa chuộng. Nếu cây sinh trưởng khỏe mạnh sẽ nhanh cho thu hoạch, một gốc nho có thể cho thu hoạch từ 3 – 3,5 kg nho tươi, với giá bán trung bình từ 150 – 200 nghìn đồng/kg; quả nho Hạ đen cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và tháng 11 trong năm. Giống nho này là loại cây “khó tính” với khí hậu tại miền Bắc, lại là người đầu tiên đưa giống nho này về trồng trên địa bàn xã. Vì vậy, Thắng đã tích cực học hỏi kinh nghiệm từ việc lựa chọn cây giống đến thiết kế hệ thống nhà giàn, mái che, hệ thống tưới nước nhỏ giọt ở từng gốc sao cho bài bản và khoa học. Xác định đây là mô hình mới tại địa phương, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương đã đặc biệt quan tâm, thường xuyên cử cán bộ phụ trách nông nghiệp xã xuống giúp đỡ Thắng để hỗ trợ một phần về kỹ thuật, cách tỉa cành, tỉa bớt quả nhỏ giúp cây nho đạt được sản lượng tốt.
Chủ tịch UBND xã Lùng Tám, Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Mô hình trồng nho của thanh niên Lù Mí Thắng là mô hình mới tại địa phương, có triển vọng phát triển gắn với du lịch, do đó xã đã quan tâm hỗ trợ và nghiên cứu để tuyên truyền cho mô hình phát triển. Đây là một tấm gương về sự nỗ lực của thanh niên dân tộc thiểu số với mong ước xây dựng mô hình nông nghiệp mới, gắn với áp dụng khoa học công nghệ và du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương”. Thành công bước đầu từ mô hình trồng nho Hạ đen của Lù Mí Thắng cho thấy sự đúng đắn từ những chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện cùng với công tác tuyên truyền của xã về đẩy mạnh phong trào học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất cũng như thực hiện phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
Dám nghĩ, dám làm, dám biến ước mơ thành hiện thực, chàng trai trẻ Lù Mí Thắng đã khởi sự lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương, xứng đáng trở thành tấm gương để các bạn trẻ noi theo, mở ra hướng đi mới trong phát triển các mô hình kinh tế tại địa phương.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc