Cánh đồng rộn vang tiếng máy
BHG - Trong những ngày này, khi vụ thu hoạch lúa Xuân bắt đầu, trên những cánh đồng huyện Bắc Mê không khó để bắt gặp hình ảnh những máy gặt đập liên hoàn, máy cuộn rơm đang chạy hết tốc lực giúp nông dân thu hoạch lúa. Đó là sự chuyển mình với việc đưa cơ giới hóa vào các khâu, quy trình trong sản xuất nông nghiệp; từ đó giúp tăng năng suất và hiệu quả phát triển kinh tế của địa phương.
Máy gặt “3 trong 1” được người dân các xã Yên Định, Minh Ngọc (Bắc Mê) sử dụng thu hoạch lúa. |
Đồng chí Lý Hải Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trong những năm qua, nhờ hàng loạt các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tăng mạnh số lượng máy móc trên đồng ruộng. Không chỉ có máy làm đất, máy cấy, máy gặt mà còn có thêm rất nhiều loại máy móc tiên tiến. Với mục tiêu đầu tư cơ giới hóa chính là cơ sở hỗ trợ để ngành Nông nghiệp huyện phát triển đột phá; cơ giới hóa sẽ góp phần bổ sung sức lao động cho nông nghiệp, bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân. Đánh giá cao điều đó, huyện cũng chú trọng vận động xã hội hóa, tuyên truyền nhân dân trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ khuyến nông cơ sở và đồng hành cùng người dân trong các khâu nhằm xây dựng sự thành thạo, thói quen mới trong sản xuất…”.
Để tự phục vụ nhu cầu sản xuất, những năm qua, người dân đã chủ động trong việc tự đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư nông, lâm nghiệp. Qua đó, phương tiện vật tư sản xuất từng bước cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, cụ thể: Toàn huyện hiện có trên 4.380 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu là máy làm đất, máy gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến thức ăn chăn nuôi... Trong khâu làm đất tỷ lệ cơ giới hóa ước đạt trên 95%, khâu thu hoạch chế biến thức ăn đạt 85%. Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng năm có mức tăng trưởng khá. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất canh tác năm 2022 đạt 55,2/60 triệu đồng, đạt 92% so với nghị quyết đề ra, bằng 103,7% so với đầu nhiệm kỳ.
Máy nông cụ được người dân trang bị để phục vụ sản xuất. |
Đồng chí Hoàng Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Phú Nam cho biết: “Trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất được xã triển khai mạnh mẽ. Hiện, toàn xã có 432 máy cày bừa; 282 máy tuốt lúa; 428 máy phát cỏ…Với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, năng suất cây trồng không ngừng tăng qua các năm, cụ thể: Tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt trên 600 ha, sản lượng ước đạt 2.400 tấn; giá trị bình quân trên 1 ha đất canh tác ước đạt 54 triệu đồng; thu nhập bình quân đạt 19,6 triệu đồng/người/năm… Cùng với đó, người dân xây dựng thương hiệu và phát huy thế mạnh địa phương trong việc thực hiện cây vụ Đông với trên 56,3 ha, năng suất ước đạt 64,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 361,4 tấn. Diện tích đậu các loại 12,9 ha, sản lượng ước đạt 8,9 tấn. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần người dân không ngừng được cải thiện”.
Bác Trương Văn Kiên, thôn Nà Cau, xã Minh Ngọc chia sẻ: “Nếu như trước đây, tất cả các khâu từ làm đất đến chăm sóc, thu hoạch… đều làm thủ công thì đến nay hầu hết đã được áp dụng cơ giới hóa. 2 -3 ruộng lúa, máy thu hoạch khoảng 15 phút là xong, thóc được đóng luôn vào bao, nông dân chỉ sẵn mang về phơi. Việc cày xới, tưới tiêu cũng tương tự. Máy móc đã giúp nông dân chúng tôi giảm rất nhiều sức lao động. Bên cạnh đó, gia đình cũng tự trang bị cho mình những nông cụ như máy quạt thóc, máy đập đất, máy cày… Bên cạnh tự phục vụ, gia đình còn mang máy cho thuê và nhận làm công cho các hộ khác. Qua đó, việc sử dụng máy nông cụ đã giúp gia đình giảm sức lao động, tăng năng suất và tạo thêm nguồn thu nhập…”.
Nhằm phát huy kết quả đạt được, huyện Bắc Mê tiếp tục đưa các giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao và tạo cơ chế cho việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất; tăng cường kết nối các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã làm dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng chuỗi cơ giới hóa nhằm tối ưu hóa công suất máy…
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc