Thôn Cán Chu Phìn sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng
BHG - Thôn Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) có trên 90 ha rừng, trong đó có gần 60 ha cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) với số tiền được chi trả mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này giúp thôn có thêm nguồn lực đầu tư cho các hoạt động phát triển thôn, góp phần xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.
Tuyến đường bê tông nội thôn Cán Chu Phìn vừa hoàn thành từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, giúp người dân đi lại thuận lợi. |
Trước đây, mỗi khi các gia đình ở thôn Cán Chu Phìn có công to, việc lớn, việc nấu ăn tại các gia đình hoàn toàn dùng bằng củi. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về tình trạng chặt phá rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp, bởi hầu hết, số củi được người dân lấy về sử dụng nằm trong vùng được bảo vệ. Tuy nhiên, gần 5 năm qua, việc sử dụng củi đun trong các gia đình cơ bản đã được hạn chế, thay vào đó là việc sử dụng bếp ga. Để thay thế thói quen này, thôn Cán Chu Phìn trích một phần kinh phí tiền DVMTR hàng năm để mua sắm một số bộ bếp ga phục vụ các hộ khi tổ chức đám cưới hỏi, ma chay... Cũng từ hoạt động này đã tác động tích cực đến thói quen của nhiều hộ, theo đó, nhiều gia đình đã chuyển từ đun nấu bằng bếp củi sang dùng bằng bếp ga, qua đó hạn chế được tình trạng chặt cây làm củi, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Đáng chú ý, cũng từ nguồn tiền DVMTR của thôn được chi trả, từ năm 2019, thôn Cán Chu Phìn bắt đầu triển khai hỗ trợ các hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo đó, mỗi hộ khi đăng ký làm nhà tiêu hợp vệ sinh sẽ được hỗ trợ 7 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đối ứng. Gần 5 năm qua, toàn thôn xây mới được 34 nhà vệ sinh với tổng số tiền hỗ trợ gần 240 triệu đồng, qua đó nâng tỷ lệ số hộ của thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh lên 59%. Từ triển khai, thực hiện hoạt động này đã giúp người dân trong thôn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hình thành thói quen sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong khu dân cư.
Cán bộ thôn Cán Chu Phìn tuyên truyền bảo vệ rừng cho người dân. |
Không dừng ở những kết quả trên, với số tiền DVMTR hàng năm thôn Cán Chu Phìn được thụ hưởng cộng với sự đóng góp của người dân, 5 năm qua, toàn thôn làm mới được hơn 8 km đường bê tông nội thôn. Cảm nhận về tuyến đường bê tông vào khu vực hồ treo của thôn mình vừa hoàn thành, ông Thò Mí Thà, dân tộc Mông phấn khởi: Trước đây, khi chưa có đường bê tông, để lấy được nước từ hồ treo về nhà sử dụng, tôi hoàn toàn phải đi bộ, điều này vừa mất nhiều sức lại không hiệu quả. Từ khi có đường bê tông, tôi chuyển sang vận chuyển bằng xe máy, hiệu quả gấp 3 – 4 lần so với trước. Còn bà Hờ Thị Vừ, người trong thôn vui vẻ nói: Việc sử dụng tiền DVMTR để làm đường đã giúp bà con đi lại dễ dàng, nhất là trong việc buôn bán hàng hóa, thu hoạch mùa màng, trẻ em đến trường.
Ông Thò Mí Xá, Trưởng thôn Cán Chu Phìn, cho biết: Thôn có 135 hộ với 100% dân số là người Mông; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của thôn chiếm hơn 66%. Do đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực trong dân để xây dựng các công trình chung hoặc công trình Nông thôn mới của thôn rất hạn chế. Song, nhờ có nguồn kinh phí DVMTR đã giúp thôn từng bước tháo gỡ được khó khăn này. Theo đó, người dân trong thôn đã họp bàn, thống nhất sử dụng nguồn tiền DVMTR vào nhiệm vụ phát triển chung của thôn, trong đó ưu tiên làm đường bê tông, hỗ trợ các hộ xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, sửa chữa nhà văn hóa thôn… Ngoài ra, thôn cũng trích một phần kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Lãnh đạo xã Cán Chu Phìn nhận xét: Trong những năm qua, thôn Cán Chu Phìn đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí DVMTR được thụ hưởng gắn nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới và công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Nhờ đó, công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn thôn được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, không để xảy ra vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp; đồng thời diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên. Trên cơ sở kết quả đạt được của thôn này, xã tiếp tục theo dõi, định hướng và nhân rộng cách làm hiệu quả trong sử dụng tiền DVMTR đến các thôn khác trên địa bàn, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT – XH của xã năm 2023.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc