Khẳng định sứ mệnh vì an sinh xã hội
BHG - Mang trong mình sứ mệnh: Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà hướng tới mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bắc Quang đã thực hiện tốt phương châm: “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Trên cơ sở đó, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác của huyện Bắc Quang tiếp cận vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo...
Lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Quang kiểm tra việc sử dụng vốn vay phát triển kinh tế của khách hàng tại thôn Cầu Thủy (thị trấn Việt Quang). |
30 tuổi, anh Hứa Văn Bắc, thôn Tân Lâm (xã Quang Minh) đã sở hữu mô hình nuôi chim Bồ câu Pháp lớn nhất huyện, với quy mô lên đến hơn 3.500 đôi (gồm chim giống và chim thịt). Trở thành triệu phú chim câu khi tuổi đời còn khá trẻ, anh Bắc cho biết: “Năm 2017, gia đình tôi quyết tâm chuyển đổi 1.000 m2 đất vườn tạp cho hiệu quả kinh tế thấp sang đầu tư trang trại nuôi chim Bồ câu Pháp. Để giúp tôi hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp, Ngân hàng CSXH huyện Bắc Quang đã tin tưởng, giải ngân cho tôi tổng nguồn vốn vay 100 triệu đồng để giải quyết việc làm”. Trải qua nhiều lần thất bại, rút kinh nghiệm trong chăn nuôi, đến nay, trang trại chim Bồ câu Pháp của gia đình anh Bắc hoạt động hiệu quả với doanh thu lên đến hơn 1,3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 700 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động là thanh niên địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, anh Bắc không chỉ đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô trang trại, nâng cao kỹ thuật nuôi chim câu mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Không những vậy, anh Bắc còn lập kênh Youtube Bồ câu Pháp Hà Giang, thường xuyên đăng tải các video về hoạt động của trang trại, chia sẻ kỹ thuật nuôi chim câu, kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân... Từ đó, thu hút một lượng lớn người theo dõi (trên 7.500 người), giúp anh mở rộng mạng lưới bán hàng. Anh Bắc cho biết thêm: Phần lớn doanh thu bán hàng là thông qua kênh Youtube Bồ câu Pháp Hà Giang. Điều đó thể hiện sự ưu việt của phương thức bán hàng thời công nghệ số so với cách làm truyền thống. Đồng thời, cũng giúp bản thân có sự tư duy nhanh nhạy, nắm bắt mọi cơ hội số để khởi nghiệp thành công.
Vốn tín dụng chính sách xã hội giúp anh Hứa Văn Bắc, xã Quang Minh (Bắc Quang) khởi nghiệp thành công. |
Trường hợp của anh Bắc chỉ là một trong số rất nhiều khách hàng của PGD Ngân hàng CSXH huyện Bắc Quang sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Bởi hiện nay, thông qua 18 chương trình TDCSXH với nguồn vốn tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16,8%; PGD Ngân hàng CSXH huyện Bắc Quang đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Phó Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Bắc Quang, Hoàng Công Hoan cho biết: “Tính đến nay, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện đạt gần 596 tỷ đồng, tăng hơn 27 tỷ đồng so với đầu năm 2023 với tỷ lệ tăng 4,74%. Từ năm 2022 đến nay, doanh số cho vay đạt hơn 240 tỷ đồng trên tổng số 13.237 khách hàng còn dư nợ. Tiến độ giải ngân các chương trình TDCSXH được giao vốn đạt 98,45% kế hoạch tăng trưởng. Vốn TDCSXH được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tạo được sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Toàn huyện đã có 4.324 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội; 2.690 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chất lượng. Hơn nữa, vốn TDCSXH còn góp phần tạo việc làm cho 1.770 lao động; 89 khách hàng thuộc đối tượng cho vay học sinh, sinh viên có thêm nguồn vốn TDCSXH để trang bị máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập. Không những vậy, trên địa bàn huyện còn có 31 hộ được vay vốn số tiền hơn 1,2 tỷ đồng từ chương trình cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi...
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng TDCSXH, trung tuần tháng 5 vừa qua, PGD Ngân hàng CSXH huyện Bắc Quang đã ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện. Trên cơ sở đó, nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TDCSXH; phong trào “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phối hợp huy động các nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” và bổ sung nguồn vốn cho PGD Ngân hàng CSXH huyện thực hiện các chương trình TDCSXH. Đồng thời, tăng cường vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ huyện, các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động TDCSXH. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc