“Giải cơn khát” miền cực Bắc
BHG - Kỳ đầu: Tái diễn điệp khúc… “mùa khát”
Khô hạn kéo dài, cây trồng khô héo, cuộc sống người dân lao đao vì thiếu nước… đang là hình ảnh miền đất cực Bắc đang phải gánh chịu. Đây là vấn đề cấp thiết, đặt ra “bài toán” đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của đồng bào biên cương. Mặc dù nhà nước đầu tư xây dựng “hồ treo”, bể chứa nước nhưng không khác gì “muối bỏ bể” khi biến đổi khí hậu ngày càng tác động nặng nề. Đâu sẽ là giải pháp chiến lược để giúp bà con “giải cơn khát” mùa khô?
Người dân xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) kiểm tra sự phát triển của cây ngô, cây đậu trước ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài. |
Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn lâu nay được xem là “miền đá khát” khi mùa khô kéo dài, tình trạng thiếu nước diễn ra quanh năm. Bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau là khoảng thời gian đất và người nơi đây chống chọi với khô hạn.
Năm nay, nắng nóng lên đến đỉnh điểm so với những năm trước, nền nhiệt độ duy trì ở mức cao, có ngày nhiệt độ lên tới trên 400C; mặc dù cơn mưa đầu mùa tưởng chừng mang hy vọng “giải nhiệt” cho người dân nhưng hình ảnh thiếu nước vẫn hiện hữu khắp nơi. Trải dọc từ Quản Bạ lên Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, những “hồ treo” cạn trơ đáy, nằm phơi mình cùng trùng điệp đá xám; đất nứt nẻ, cây trồng héo rũ, có nguy cơ mùa màng mất trắng; người dân, học sinh, thậm chí trẻ nhỏ nhọc nhằn tìm nước tại những khe suối, lạch nước... Không những vậy, các huyện phía Tây đầy nắng, gió cũng chung cảnh ngộ khi cây cối, hoa màu đã khô héo. Thêm một “mùa khát” tái diễn, nguy cơ mất mùa, thiếu ăn đang là nỗi lo hiện hữu.
Đúng vào thời điểm các loại cây trồng ở giai đoạn sinh trưởng thì nắng nóng, khô hạn kéo dài dường như đã cướp đi “miếng ăn” của những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Mặc dù các địa phương đã gồng mình chống hạn, chủ động bơm nước từ ao, hồ, sông, suối còn nước dự trữ kịp thời cứu hạn cho hoa màu nhưng diện tích thiệt hại vẫn quá lớn. Toàn tỉnh có tới trên 1.900 ha hoa màu vụ Xuân bị ảnh hưởng; trong đó, thiệt hại trên 70% cây ngô 667 ha, đậu tương 153 ha… Theo lãnh đạo huyện Xín Mần, địa phương có diện tích thiệt hại nhiều nhất tỉnh, với khoảng gần 1.800 ha bị ảnh hưởng do hạn hán; tuy chính quyền các xã đã hướng dẫn người dân thu hoạch diện tích ngô bị thiệt hại, cây có bắp nhưng không có hạt để làm thức ăn chăn nuôi… nhưng có thể đói nghèo sẽ quay trở lại, đeo bám cuộc sống người dân.
“Hồ treo” ở xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) cạn trơ đáy khi nhiều tháng nay không có mưa. |
Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vỹ, hoang sơ, nhưng 3/4 diện tích núi đá vôi và đá tai mèo, diện tích rừng thưa thớt, mạch nước ngầm hiếm hoi, khó khai thác; khả năng trữ nước trên núi đá kém... khiến hàng trăm nghìn nhân khẩu nơi đây luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và canh tác. Nước dùng cho sinh hoạt của người dân chủ yếu trông chờ vào mưa. Chứng kiến cảnh những người nông dân sống giữa ngút ngàn núi đá lặn lội hàng chục cây số để lấy được một vài can nước về phục vụ sinh hoạt mà thấy xót xa. Khô hạn kéo dài khiến nước ăn còn thiếu nên chuyện tắm, giặt không nhiều người dân nghĩ tới. Trò chuyện với anh Giàng Mí Chơ, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) mới thấy, nước ở đây được người dân quý như vàng. Anh Chơ cho biết: “Gia đình được hỗ trợ xây dựng bể chứa nước nhưng không có mưa nên hồ treo cũng cạn rồi; ngày nào cũng phải đi tìm nguồn nước ở xa để lấy, mỗi lần được một can 20 lít. Bây giờ chỉ lo cho cây ngô, cây đậu trên nương, không có mưa nên sắp chết hết rồi, sợ bị đói lắm!”.
Do nhiều tháng nay trời không mưa nên cuộc sống người dân miền Cao nguyên đá rơi vào cảnh lao đao. Không chỉ nhiều gia đình phải bỏ tiền mua nước sinh hoạt mà thời điểm các trường học chưa nghỉ Hè, hầu hết chung một cảnh ngộ thiếu nước. “Cơn khát” kéo về các trường học đã trở thành rào cản lớn trong công tác dạy và học. Có những trường chi hàng chục triệu đồng tiền mua nước mỗi tháng cũng chỉ đủ để nấu ăn cho học sinh bán trú. Một số trường phân công thầy, cô giáo cùng học sinh đi lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân của học sinh, nhưng do thiếu nước trầm trọng nên ảnh hưởng lớn đến công tác vệ sinh trong nhà trường. Điều đáng lo ngại là các trường mua nước theo nhu cầu và người bán chủ yếu là các tư nhân nên chưa có sự thẩm định về nguồn nước, bởi do nhu cầu bức thiết nên việc kiểm tra chưa thực sự được quan tâm toàn diện.
Câu chuyện thiếu nước của người dân “miền đá khát” đã được “giải cứu” một phần khi nhà nước đầu tư một số “hồ treo” tại các địa phương từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do số lượng chưa đảm bảo; phụ thuộc nhiểu vào lượng mưa nên người dân hàng năm vẫn lâm vào cảnh khốn khó. Đặc biệt, tình trạng người dân “sống khát” ngay trên mạch nước ngầm lại là điều đáng để trăn trở. Trên địa bàn huyện Mèo Vạc, sau khi nghiên cứu, khoan thăm dò, phát hiện ra nguồn nước ngầm ở thị trấn Mèo Vạc và xã Pả Vi; có 5/7 lỗ khoan có nước với tổng lưu lượng thực bơm khoảng trên 1.100 m3/ngày đêm. Đây được ví như “mỏ vàng” khi được khai thác sẽ đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt cho hàng nghìn bà con trong huyện; nhưng từ khi hỏng máy bơm đến nay đã 13 năm, nguồn nước vẫn chảy ngầm và người dân… vẫn khát.
Có thể thấy rõ, việc xây dựng các công trình khai thác nguồn nước cần kinh phí không nhỏ, trong khi tỉnh ta nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc phát hiện, khai thác các nguồn nước nhằm giúp người dân được sử dụng nước sinh hoạt đầy đủ và tìm rõ căn cơ để có chiến lược giải quyết tình trạng thiếu nước của người dân đang là vấn đề cấp thiết.
Bài, ảnh: Bùi Thu Hằng (Hội Nhà báo tỉnh)
“Giải cơn khát” miền cực Bắc -Kỳ cuối: Lời giải “bài toán” thiếu nước mùa khô
Ý kiến bạn đọc