Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp
BHG - Du lịch (DL) sinh thái gắn với nông nghiệp là một trong những sản phẩm DL đặc trưng tỉnh đang thực hiện trong “Chiến lược phát triển sản phẩm DL tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030” nhằm đưa đến cho du khách những trải nghiệm, khám phá thú vị về hoạt động sản xuất nông nghiệp và thưởng thức đặc sản địa phương do chính tay mình thu hoạch; qua đó làm đa dạng sản phẩm DL và tăng thêm thu nhập cho người dân.
Du khách nước ngoài trải nghiệm cấy lúa trên ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. |
Xã Cao Bồ (Vị Xuyên) có gần 1.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi, sinh sống trên các đỉnh núi cao. Đây là vùng chè nổi tiếng thơm ngon. Những năm qua, người dân Cao Bồ đặc biệt quan tâm, chăm sóc cây chè để nâng cao chất lượng, giá trị. Chè Shan tuyết cổ thụ Cao Bồ được Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ chè hữu cơ - Organic Cao Bồ, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Năm 2015, quần thể chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời từ 100 - 300 năm ở xã Cao Bồ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đã đến Cao Bồ khám phá, tìm hiểu về Cây Di sản Việt Nam. Từ đây, cây chè Shan tuyết cổ thụ mở ra hướng đi mới trong phát triển sản phẩm DL sinh thái gắn với nông nghiệp.
Chúng tôi đến thăm vùng chè Shan tuyết cổ thụ thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ vào một ngày đầu tháng 4, khi anh Đặng Tùng, chủ homestay Thung lũng chè Shan tuyết đang chuẩn bị đồ cho du khách khám phá rừng chè cổ thụ. Anh Tùng chia sẻ: “Hôm nay có đoàn khách từ Hà Nội lên, họ đặt lịch trải nghiệm, khám phá đỉnh Tây Côn Lĩnh, ngắm hoa Đỗ quyên và rừng chè Shan tuyết cổ thụ. Khi lên đồi chè, khách được giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển vùng chè, văn hóa dân tộc Dao, các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam, checkin với cây chè cổ thụ, cắm trại dã ngoại tại đồi chè, trải nghiệm quy trình thu hái chè và thưởng thức chè ngon ngay dưới tán chè cổ thụ. Du khách có thể tự tay chế biến những món ăn từ sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
DL nông nghiệp là dịch vụ DL được tổ chức dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp để phục vụ du khách. Thực tế cho thấy, DL nông nghiệp mang lại lợi ích kép, vừa mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho du khách, vừa tạo việc làm, đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, vừa gia tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, DL nông nghiệp còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, chương trình OCOP. Thông qua DL để quảng bá đời sống nông thôn, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản, làng nghề truyền thống, phát triển DL cộng đồng, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng DL.
Hà Giang có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, phù hợp phát triển nhiều loại nông sản đặc trưng, có thể phục vụ phát triển DL, tiêu biểu như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, Hồng không hạt, hoa Tam giác mạch, đào, lê, mận... Hiện nay, tỉnh đang thực hiện khâu đột phá về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị và Chương trình OCOP, tạo ra nhiều vùng sản xuất chuyên canh, nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Tỉnh cũng đã đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý cho 7 sản phẩm nông nghiệp đặc sản, có hơn 190 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Một số địa phương có thể đề xuất xây dựng sản phẩm DL sinh thái gắn với nông nghiệp như: Huyện Bắc Quang xây dựng vườn cam Sành VietGAP thành điểm DL sinh thái; Vị Xuyên tham quan đồi chè Shan tuyết cổ thụ; Hoàng Su Phì với sản phẩm bắt cá Chép, cấy, gặt lúa trên ruộng bậc thang vàng óng, thu hái mận Máu; Xín Mần xây dựng Thảo nguyên Suôi Thầu thành điểm DL nông nghiệp; Quản Bạ phát triển dược liệu gắn với tham quan, trải nghiệm mô hình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, nghỉ dưỡng; các huyện trên Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn trồng hoa Tam giác mạch, cây ăn quả, trải nghiệm quy trình xản xuất mật ong Bạc hà... Để phát triển sản phẩm DL sinh thái gắn với nông nghiệp, các địa phương cần xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, đầu tư hạ tầng, cơ sở dịch vụ tham quan, trải nghiệm, ăn, nghỉ. Tại các vùng trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh quan phải tạo được điểm nhấn cảnh quan, đảm bảo tính bền vững.
Việc xây dựng các sản phẩm DL đặc trưng, có tính cạnh tranh cao, trong đó có sản phẩm DL sinh thái gắn với nông nghiệp góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, DL trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, thu hút 3 triệu lượt khách; tổng thu từ DL ước đạt 7.800 tỷ đồng; tạo ra trên 28 nghìn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc