Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng (29/4/1958-29/4/2023)
Nâng cao vai trò ngành Xây dựng trong phát triển kinh tế
BHG - Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Xây dựng Việt Nam (29.4.1958 - 29.4.2023), phóng viên (PV) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những đóng góp của ngành Xây dựng Hà Giang trong công cuộc phát triển KT - XH vùng cực Bắc của Tổ quốc.
PV: Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí đánh giá thế nào về đóng góp của ngành Xây dựng Hà Giang trong công cuộc phát triển KT – XH của tỉnh những năm qua?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trả lời phỏng vấn của phóng viên. |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Cùng với quá trình hình thành và phát triển của ngành Xây dựng Việt Nam, ngành Xây dựng Hà Giang luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm, phát triển, trở thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Trong giai đoạn chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, lực lượng lao động ngành Xây dựng Hà Giang chủ động khắc phục khó khăn, thiết kế, thi công các công trình phục vụ phòng thủ, công trình di dời, sơ tán cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, góp phần quan trọng bảo vệ, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.
Bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành Xây dựng Hà Giang chủ động nghiên cứu, sáng tạo, trực tiếp thiết kế, thi công các công trình thiết yếu, đặt nền móng cho sự phát triển tỉnh nhà, như: Trụ sở các cơ quan, bệnh viện, trường học, đập thủy lợi, các nhà máy, xí nghiệp; trong đó, có các công trình yêu cầu kỹ thuật cao như thủy điện Khuổi My, Nà Trì, cầu Phong Quang, cầu treo Cốc Pài…
Cùng với sự phát triển của tỉnh, ngành Xây dựng Hà Giang tiếp tục lớn mạnh, từ nhiệm vụ ban đầu là thiết kế, thi công chuyển sang thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về xây dựng; đặc biệt, thực hiện tốt chức năng quy hoạch, quản lý chất lượng xây dựng, phát triển đô thị. Đến nay, hệ thống quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch vùng, huyện, quy hoạch phân khu, chi tiết đã được hoàn thiện, tạo tiền đề thu hút đầu tư, phát triển đô thị. Với sự đóng góp của ngành Xây dựng, diện mạo đô thị - nông thôn trên địa bàn tỉnh thay đổi đáng kể; xuất hiện nhiều đô thị sáng – xanh – sạch – đẹp; vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc; thành phố Hà Giang đang hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II với nhiều công trình công cộng nổi bật, tạo điểm nhấn, như: Quảng trường 26.3, Bảo tàng tỉnh, Đập dâng nước tạo cảnh quan...
PV: Thưa đồng chí, đồng chí nhận định thế nào về vai trò tiên phong của ngành Xây dựng Hà Giang đối với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở địa phương?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Giai đoạn đầu mới tách tỉnh còn nhiều khó khăn, Sở Xây dựng là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển KT – XH tại địa phương. Những giai đoạn tiếp theo, Sở luôn là một trong những đơn vị đi đầu đẩy mạnh xây dựng cơ bản và hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Nhiều công trình lớn như trường học, bệnh viện, quảng trường… được đầu tư xây dựng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT – XH hàng năm và từng nhiệm kỳ.
Quy hoạch xây dựng được triển khai hiệu quả, với 11/11 huyện, thành phố có quy hoạch chung đô thị và 175/175 xã có quy hoạch chung được phê duyệt. Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; Quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thị xã Hà Giang được công nhận đô thị loại III vào tháng 6.2009; đến tháng 9.2020 được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh; thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) được công nhận đô thị loại IV… Từ đó, bộ mặt các đô thị trên địa bàn tỉnh thay đổi theo hướng tích cực.
Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Sở Xây dựng có những thành quả vượt bậc; công tác tham mưu và triển khai nhiệm vụ lĩnh vực ngành được đảm bảo với 5 nghị quyết của HĐND tỉnh; 25 quyết định, 7 kế hoạch và 1 đề án của UBND tỉnh được ngành kịp thời tham mưu ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả. Các chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa và tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu... Qua đó, góp phần quan trọng vào phát triển KT – XH của tỉnh và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.
PV: Nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng hạ tầng kỹ thuật rất nặng nề, vậy tỉnh có giải pháp và kỳ vọng gì đối với ngành Xây dựng trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần tích cực xây dựng tỉnh Hà Giang phát triển nhanh, bền vững, ngành Xây dựng cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng; cải cách hành chính thực chất, hiệu quả; tích cực tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư xây dựng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Tăng cường công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng gắn với phát triển đô thị; xây dựng, phát triển nhanh hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại và bản sắc. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 30%; tỷ lệ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh của cư dân đô thị đạt 100%, nông thôn đạt trên 96%.
Tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng chú trọng các giải pháp giữ gìn bản sắc kiến trúc truyền thống các dân tộc; nhất là kiến trúc bản địa, sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống tại các khu vực đô thị hóa nhanh, các điểm du lịch, vùng biên giới như hàng rào đá, nhà trình tường của người Mông, nhà sàn người Tày... Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XI, XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong ngành thật sự trong sạch, vững mạnh; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang.
Kim Tiến (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc