Chè Shan tuyết “vàng xanh” miền cực Bắc
BHG - Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, bản sắc văn hóa độc đáo, Hà Giang còn được biết đến là vùng đất nhiều sản vật vang danh. Với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ (KHCN), chè Shan tuyết – cây trồng chủ lực được ví như “vàng xanh” của đất trời cực Bắc đang ngày càng khẳng định chất lượng và uy tín trên thị trường.
Chè Shan tuyết cổ thụ góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân Hoàng Su Phì. |
Nhận diện rõ tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17 về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, xác định chè Shan tuyết là 1 trong 5 loại cây trồng chủ lực được tập trung nguồn lực, nhân lực, KHCN nhằm khai thác hiệu quả lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm du lịch. Đây được xem như một “cú hích” để xây dựng chè Shan tuyết trở thành thương hiệu gắn với phát triển du lịch và nâng tầm giá trị cây chè, mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý chia sẻ: Cây chè được xác định là một trong những cây trồng chủ lực thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Hiện, toàn tỉnh có trên 20 nghìn ha chè; trong đó, diện tích chè Shan tuyết trên 18 nghìn ha, chiếm hơn 90% diện tích chè toàn tỉnh, với diện tích cho thu hoạch gần 14 nghìn ha, sản lượng trên 55 nghìn tấn/năm. Đặc biệt, tỉnh ta có khoảng 7 nghìn ha chè Shan tuyết cổ thụ trên 100 năm tuổi được sinh trưởng, phát triển tự nhiên trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ.
Người dân xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) thu hái chè Shan tuyết. |
Năm 2022, giá trị sản xuất chè ước đạt trên 650 tỷ đồng. Toàn tỉnh có gần 40 sản phẩm chè là sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tỉnh chú trọng phát triển chè theo hướng an toàn; hiện toàn tỉnh có trên 11 nghìn ha/65 vùng/63 cơ sở sản xuất chè được chứng nhận tiêu chuẩn GAP, VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, liên kết hơn 9.500 hộ trồng chè riêng lẻ để hình thành 40 cơ sở sản xuất chè VietGAP và liên kết với 24 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè để hình thành chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ. Mặt khác, tỉnh có các chính sách hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến cho các cơ sở sản xuất.
Hoàng Su Phì lâu nay được xem là “thánh địa” chè Shan tuyết. Toàn huyện có tổng diện tích cây chè trên 4,6 nghìn ha, diện tích cho thu hoạch gần 3,6 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt bình quân trên 14 nghìn tấn/năm. Trước đây, cây chè trên địa bàn chủ yếu sinh trưởng tự nhiên, không được chăm sóc thường xuyên, điều chỉnh lứa hái; sản phẩm chè chủ yếu chế biến thủ công hoặc bằng công nghệ cũ nên năng suất, chất lượng thấp. Những năm gần đây, bằng việc áp dụng KHCN mới từ khâu tạo nguồn nguyên liệu trồng, chăm sóc, thu hái đến khâu sản xuất, chế biến, tạo mẫu mã, bao bì, thương hiệu, quảng bá sản phẩm đã giúp hình thành thương hiệu chè Hoàng Su Phì và có chỗ đứng trên thị trường.
Đóng gói sản phẩm chè tại Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì). |
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Triệu Sơn An cho biết: Mặc dù cây chè trên địa bàn huyện chưa phát triển xứng với tiềm năng, giá trị các sản phẩm chè thấp, nhưng xác định đưa cây chè trở thành một trong những cây trồng giảm nghèo bền vững của địa phương, huyện tập trung phát triển các sản phẩm chè theo chuỗi giá trị, từ sản xuất – thu mua – chế biến – tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè Shan tuyết trên thị trường và xác định vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung trọng điểm. Thông qua ứng KHCN và sản xuất, chế biến đã giúp huyện có nhiều sản phẩm chè, mẫu mã đa dạng, được nhiều thị trường biết đến, như: Trà vàng, Hồng trà, Bạch trà, trà Ô long, trà Móng rồng...; một số sản phẩm chè công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của KHCN trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh ta tập trung triển khai và lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ về đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến chè. Khuyến khích và thu hút các chuyên gia có kinh nghiệm, các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực, tầm nhìn đầu tư các cơ sở sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến vào địa bàn. Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng các nguồn nguyên liệu sạch, như đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi thiết bị sản xuất, chế biến; chú trọng ứng dụng công nghệ từ khâu tạo giống, trồng, chăm sóc, điều chỉnh lứa hái đến thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Từng bước thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong chăm sóc, chế biến chè.
Tăng cường tuyên truyền, từng bước xã hội hóa hoạt động chuyển giao tiến bộ KHCN tới người dân; phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể cơ sở trong việc tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động áp dụng các tiến bộ KHCN mới vào thâm canh chè. Hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung, sản lượng lớn, công nghệ sạch. Thúc đẩy các hộ trồng chè tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng; mở rộng các diện tích chè được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tạo sự liên kết, gắn kết các cơ sở sản xuất, chế biến với các hộ dân trồng chè theo tiêu chuẩn để tạo ra các sản phẩm đảm bảo từ nguồn nguyên liệu; không làm lãng phí tiềm năng, giá trị cây chè. Mặt khác, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp công nghệ, các cơ sở sản xuất, chế biến đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận người tiêu dùng thông qua các nền tảng số, giúp sản phẩm đến người tiêu dùng nhanh chóng, thuận tiện, quảng bá sản phẩm trên các thị trường rộng lớn.
“Tỉnh quan tâm đăng ký chỉ dẫn địa lý, tạo mẫu mã, thương hiệu cho các sản phẩm chè. Nghiên cứu, phát triển sáng tạo các sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ chè và theo phân khúc thị trường phù hợp với thị hiếu thị trường. Hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu chè đến thị trường có thu nhập cao. Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng nhằm tìm các giải pháp KHCN phù hợp đối với việc phát triển cây chè Shan tuyết; khuyến khích nghiên cứu, đầu tư xây dựng các vườn giống, lưu giữ các giống chè đầu dòng, có chất lượng tốt, tạo cơ sở nhân giống phục vụ nhu cầu về giống chè cho người dân.” – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho biết thêm.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc