Cải tạo vườn tạp làm đến đâu chắc đến đó

15:40, 18/04/2023

BHG - Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân; với quan điểm “làm đến đâu chắc đến đó”, “không nóng vội, không thành tích” cùng sự chăm chỉ, cần cù, nhiều hộ nông dân đã gặt hái được “quả ngọt” từ những mảnh vườn tạp.

Vườn tạp được cải tạo để trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân thôn Khai Hoang Bản Vàng, xã Hữu Vinh (Yên Minh).
Vườn tạp được cải tạo để trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân thôn Khai Hoang Bản Vàng, xã Hữu Vinh (Yên Minh).

Gia đình chị Sùng Thị Máy, thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi (Mèo Vạc) có đất vườn khá rộng. Trước đây, gia đình chị chủ yếu trồng ngô 1 vụ, thời gian còn lại đều bỏ trống đất. Chị Máy cho biết: “Đất đai kém màu mỡ, lại thiếu nước tưới nên gia đình tôi cũng không chú trọng trồng trọt trên diện tích đất vườn. Từ năm 2021, được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ xã, thôn, gia đình tôi đã tiến hành cải tạo trên 700 m2 đất vườn để trồng các loại rau, đậu. Thiếu nước thì mình chăm chỉ tưới, đất cằn thì chịu khó bón các loại phân chuồng, phân xanh để cải tạo. Cứ thế, mùa nào thức nấy, vườn rau của gia đình luôn xanh tốt với đủ các loại rau: Bắp cải, Su hào, rau Bí, Cà chua, các loại đậu... Không chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình mà còn có rau để bán thường xuyên. Một tháng, thu nhập từ việc bán rau cũng đem về cho gia đình tôi từ 1,5 - 2 triệu đồng”. Ngoài ra, chị còn chăn nuôi thêm gà và lợn để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình.

Cải tạo vườn tạp theo mô hình vườn - ao - chuồng cũng là cách làm hiệu quả đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm cho gia đình chị Phạm Tuyết Chung, thôn 1 Lê Hồng Phong, xã Nam Sơn (Hoàng Su Phì). Với diện tích đất vườn rộng 3.000 m2, gia đình chị đã quy hoạch làm 4 phần, gồm phần dành cho chăn nuôi lợn, gà, phần dành để trồng rau xanh, phần trồng cây ăn quả và khu vực ao nuôi cá. Trong đó, khu vực trồng rau gia đình chị tập trung trồng các loại rau theo mùa để cung cấp cho các đơn vị trường học trên địa bàn; khu vực chăn nuôi lợn được xây kiên cố, khép kín với hệ thống biogas xử lý chất thải, quy mô từ 100 - 120 con/lứa. Khu vực trồng cây ăn quả chủ yếu trồng giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao như mận, lê. Còn diện tích gần 1.000 m2 mặt nước được gia đình chị thả các loại cá: Chép, Trôi, Trắm, Mè, Rô phi đơn tính... Với cách làm bài bản, khoa học cùng sự chăm chỉ, mỗi năm gia đình chị Chung có thu nhập trên 200 triệu đồng nhờ cải tạo vườn tạp.

Chị Phạm Tuyết Chung chia sẻ: Gia đình có diện tích đất vườn rộng, nhưng trước đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ và trồng rau để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, nên giá trị kinh tế thấp. Được sự tuyên truyền, hỗ trợ của chính quyền xã và các ngành, đoàn thể huyện giúp gia đình xây dựng quy hoạch, bố trí khu vườn, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Việc cải tạo vườn được thực hiện bài bản, diện tích đất vườn sau cải tạo có sự thay đổi rõ rệt, giá trị kinh tế cũng cao hơn gấp nhiều lần so với trước đây - đó chính là hiệu quả thiết thực mà chương trình cải tạo vườn tạp mang lại cho người dân chúng tôi.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.400 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp với tổng diện tích vườn đã được cải tạo trên 241 ha. Đến hết năm 2022, có 1.935 vườn đã cho hiệu quả kinh tế với thu nhập bình quân đạt 18,8 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 2-3 lần so với trước thời điểm chưa thực hiện cải tạo vườn tạp. Số lao động được giải quyết việc làm ổn định là 2.325 người (bình quân mỗi hộ gia đình có 1 người được giải quyết việc làm ổn định, đặc biệt đây là các hộ nghèo, cận nghèo, thiếu đất, thiếu vốn sản xuất, không có việc làm ổn định). Việc cải tạo vườn tạp đã thực sự đi vào đời sống của nhân dân, làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân, không gian sinh sống của hộ gia đình được sắp xếp lại hợp lý, khoa học, ngăn nắp; thôn xóm sạch - đẹp; tác động tích cực đến chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, một số hộ dân chưa nhận thức rõ việc cải tạo vườn tạp là việc của gia đình mình; còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, chưa chủ động tự lực trong thực hiện cải tạo vườn. Số vườn đăng ký thực hiện nhiều nhưng chất lượng vườn chưa cao. Một số hộ thực hiện chưa thay đổi tư duy, chưa đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dẫn đến vườn đã được cải tạo, nhưng thu nhập mang lại chưa cao...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hoàng Hải Lý cho biết: Để chương trình cải tạo vườn tạp ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, thời gian tới, ngành chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền nghị quyết, chính sách hỗ trợ, lợi ích và sự cần thiết của cải tạo vườn đến người dân nhằm nâng cao tính chủ động thực hiện của nhân dân, phát triển kinh tế vườn hộ. Định hướng cho các hộ đưa cây, con có năng suất, chất lượng, phù hợp điều kiện thực tế vào sản xuất. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và kiến thức làm vườn cho người dân. Tăng cường bám sát cơ sở, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo niềm tin cho bà con nhân dân. Chủ động khai thác, vận động hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ chính sách để tập trung triển khai thực hiện, đưa nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bứt phá các chỉ tiêu kinh tế
BHG - Xác định năm 2023 là năm bản lề thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tuy chịu ảnh hưởng về biến động giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào; áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; việc tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều vướng mắc… nhưng tỉnh ta đã linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng trong quý I, tạo tiền đề vững chắc để bứt phá các chỉ tiêu kinh tế.
17/04/2023
Dấu ấn quan trọng đối với phong trào Hợp tác xã của Việt Nam
BHG - Ngay sau Cách mạng Tháng 8 thành công năm 1945, ngày 11.4.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia Hợp tác xã nông nghiệp. Trong thư Bác Hồ viết:“Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc... nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”; “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có Hợp tác xã”; “... Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”. Trong thư, Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên Hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có Hợp tác xã”.
17/04/2023
Quản Bạ nỗ lực thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn
BHG - Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước. Tại huyện Quản Bạ những năm qua các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo đến an sinh xã hội, giảm nghèo, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ thiết yếu.
16/04/2023
Phát triển thương mại, dịch vụ tạo “cú hích” cho nền kinh tế
BHG - Chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thương mại, dịch vụ (TMDV) đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển KT - XH chung của tỉnh.
16/04/2023