Xuất khẩu nông sản cơ hội và thách thức
BHG - Thực hiện khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP và hội nhập kinh tế, thời gian qua, nhiều nông sản của tỉnh được tập trung phát triển thành hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn vươn ra thị trường quốc tế. Đây là tín hiệu mừng cho hướng đi bền vững của ngành Nông nghiệp, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức khi nông dân ra “sân chơi” lớn.
Sản phẩm củ Cải muối của huyện Xín Mần được đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. |
Hà Giang là vùng đất nổi tiếng với diện tích cây chè Shan tuyết cổ thụ lớn, khoảng 20 nghìn ha, trong đó có hơn 6.700 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, hơn 1.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Phát huy lợi thế của địa phương, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, sản xuất các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP, đáp ứng thị trường quốc tế. HTX chế biến chè Phìn Hồ xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) là một điển hình. Với việc đổi mới toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết với trên 500 hộ trồng chè ở vùng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu thuộc các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán, thường xuyên tham gia các Hội chợ Thương mại quốc tế, xây dựng sản phẩm chè Shan tuyết OCOP 5 sao quốc gia, được tổ chức liên minh châu Âu chứng nhận sản phẩm Organic EU... Các sản phẩm chè của HTX đã vươn tầm quốc tế, được xuất khẩu với số lượng lớn ra các nước Đài Loan, Trung Quốc và đặc biệt là các quốc gia châu Âu, nơi được xem là thị trường rất khó tính.
Những ngày đầu năm 2023, tin vui đến với người dân xã Nàn Ma (Xín Mần) khi 18 tấn củ Cải muối đầu tiên của huyện được xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản. Đây là kết quả bước đầu từ chương trình liên kết trồng củ Cải theo chuỗi giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm giữa huyện Xín Mần với Công ty TNHH VietNam Misaki giai đoan 2021 - 2025. Theo chương trình liên kết, Công ty TNHH VietNam Misaki cung ứng giống, phân bón cho nhân dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo cam kết; người dân thực hiện liên kết trồng củ Cải 2 vụ với quy mô 13,5 ha, lợi nhuận thu được từ liên kết xuất khẩu tăng gấp 4 lần so với trồng ngô, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Năm 2022, trên 1,5 triệu sản phẩm chổi chít của HTX tiểu thủ công nghiệp Việt Thành, thị trấn Nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên) được xuất khẩu ra thị trường thế giới, trong đó có gần 10.000 cây chổi chít được sản xuất theo tiêu chuẩn đặt hàng và xuất sang Mỹ với giá bán cao gấp 5 lần giá bán sản phẩm tại thị trường trong nước. Cũng trong năm 2022, có 7,5 tấn hạt Tam giác mạch của tỉnh đảm bảo 3 tiêu chí về tiêu chuẩn, chất lượng bền vững, ổn định giá cả được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam (JVGA) đặt mục tiêu từ năm 2023, Hà Giang sẽ là vùng nguyên liệu chính và mỗi năm có khoảng trên 500 tấn hạt Tam giác mạch được xuất khẩu sang Nhật để làm mì Soba.
Để nâng tầm chất lượng nông sản địa phương, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng để xuất khẩu, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030; ban hành chính sách thu hút đầu tư; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu sản phẩm; chú trọng kinh tế đối ngoại; phát triển kinh tế biên mậu, khai thác hiệu quả ưu thế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Cửa khẩu song phương Xín Mần và các lối mở đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; tích cực tham gia các diễn đàn khu vực, quốc tế; thúc đẩy hợp tác với các địa phương của một số quốc gia, các tổ chức nước ngoài; ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác nước ngoài. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp, HTX hợp tác, đầu tư, liên kết phát triển kinh tế tại địa phương. Giai đoạn 2015 - 2022, giá trị và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tăng dần qua các năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 7.033 triệu USD.
Bên cạnh kết quả đạt được, hành trình chinh phục thị trường quốc tế của nông sản tỉnh nhà vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Thị trường quốc tế luôn đòi hỏi khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và các chính sách nhập khẩu nông sản nghiêm ngặt của các quốc gia, trong khi quy mô sản xuất nông sản của tỉnh nhỏ lẻ, chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn để đáp ứng thị trường tiêu thụ; lợi thế về kinh tế biên mậu chưa phát huy hiệu quả; thiếu những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn rời rạc. Các doanh nghiệp, HTX, dịch vụ chưa đủ mạnh để bứt phá trong thương mại quốc tế; công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế.
Muốn vượt qua rào cản và hội nhập kinh tế sâu rộng, nâng tầm cho nông sản địa phương, tăng thu nhập cho người dân, đòi hỏi các cấp, ngành và doanh nghiệp, HTX tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ; trong đó chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, đảm bảo chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ và tuân thủ các quy trình sản xuất nghiêm ngặt, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc