Thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững
BHG - Những năm gần đây, ngành chăn nuôi tỉnh ta có nhiều khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những hạn chế, chưa thực sự tạo được giá trị kinh tế cao và bền vững. Do đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô tập trung hàng hóa, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên các nhóm sản phẩm chủ lực gắn với ứng dụng công nghệ cao được xác định là hướng đi trọng tâm trong thời gian tới.
Trang trại bò 3B của HTX Cát Lý, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên). Ảnh: CTV |
Với lợi thế về đồng cỏ, nguồn thức ăn tận dụng tại chỗ nên các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo cơ cấu vật nuôi phù hợp, bao gồm các giống vật nuôi chính là trâu, bò, dê, lợn, gia cầm. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, do đó dễ chịu rủi ro do ảnh hưởng của dịch bệnh. Một bộ phận người dân chăn nuôi theo phương thức truyền thống, chủ yếu là tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, thả rông gia súc, gia cầm và chưa chủ động đảm bảo nguồn thức ăn khiến chăn nuôi tăng trưởng chậm, thiếu bền vững.
Với mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi, thời gian qua, các huyện, thành phố đã dịch chuyển mạnh từ chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình sang chăn nuôi quy mô trang trại, sản xuất hàng hóa. Bước đầu hình thành các chuỗi liên kết và có đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao sản lượng, giá trị đàn vật nuôi.
Được thành lập từ tháng 3.2022, HTX Cát Lý, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) là một trong số doanh nghiệp, HTX thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi với người dân và các đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Triển khai phương án liên kết chăn nuôi theo hình thức đầu tư có thu hồi, HTX đã trao 50 con bò cho các hộ dân có đủ điều kiện về nhân lực, diện tích trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn. Trong quá trình nuôi, HTX sẽ phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho người dân. Sau thời gian 3 tháng, HTX sẽ mua lại bò, với giá từ 70 – 100 nghìn đồng/kg sau khi trừ trọng lượng ban đầu. Hiện nay, HTX có 1 trang trại chăn nuôi bò vỗ béo quy mô 200 con gồm bò lai 3B và bò Vàng địa phương; 1 cơ sở giết mổ, chế biến thịt bò. Trung bình mỗi ngày, HTX xuất bán, giết mổ trên 10 con bò, trọng lượng 350 - 400kg/con. Không chỉ góp phần tạo sinh kế cho người dân, HTX còn chủ động liên kết với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định, từng bước hình thành chuỗi sản xuất khép kín, tuần hoàn.
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm; chuyển hướng phát triển chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại với quy mô nhỏ và vừa. Chỉ riêng trong năm 2022, toàn tỉnh tăng thêm 49 trang trại, nâng tổng số trang trại hiện có lên 214 trang trại. Trong đó có 2 trang trại quy mô lớn, 13 trang trại quy mô vừa, 199 trang trại quy mô nhỏ. Các trang trại chủ yếu tập trung ở thành phố Hà Giang, Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Yên Minh, Bắc Mê.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế vùng, tỉnh đang tập trung phát triển 3 chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi gồm: Chuỗi giá trị sản phẩm bò Vàng, lợn đen địa phương và chuỗi giá trị sản phẩm mật ong Bạc hà. Trong đó, chuỗi giá trị sản phẩm bò Vàng tập trung ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá với tổng đàn bò tính đến cuối năm 2022 là 92.798 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3.283,9 tấn/năm. Giá trị sản xuất đạt 237.248 triệu đồng, với tổng số 19 HTX, cơ sở chế biến. Đối với chuỗi giá trị lợn đen địa phương, đến nay đã có 90 HTX, cơ sở sơ chế, chế biến tham gia với sản lượng sơ chế, chế biến năm 2022 ước đạt 1.185 tấn; giá trị sản xuất đạt 329.409 triệu đồng.
Để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm mật ong Bạc hà, các huyện vùng Cao nguyên đá duy trì 3.624 ha diện tích cây Bạc hà (Mèo Vạc 1.300 ha, Đồng Văn 1.124 ha, Yên Minh 700 ha, Quản Bạ 500 ha) với 46.091 tổ ong. Đến nay, có 305 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sơ chế, chế biến tham gia chuỗi giá trị. Năm 2022, giá trị sản xuất đạt 23.379 triệu đồng.
Các cấp, ngành cũng đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, đẩy mạnh rà soát, thực hiện quy hoạch vùng, tiểu vùng phát triển chăn nuôi phù hợp với đặc điểm và lợi thế của địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận và đưa các giống vật nuôi chất lượng cao vào chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tập trung khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, người chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAHP và an toàn sinh học để tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử và trên nền tảng mạng xã hội để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chăn nuôi.
YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc