Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của nông dân Quang Bình
BHG - Đến Quang Bình những ngày đầu năm, đâu đâu cũng thấy khí thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình của các hội viên Hội Nông dân bằng những mô hình cụ thể, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến tới Đại hội Hội Nông dân toàn tỉnh nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Các hội viên tham gia mô hình thâm canh cam theo chuỗi giá trị tại xã Hương Sơn kiểm tra quả cam trước khi thu hoạch. |
Chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến tới Đại hội Hội Nông dân toàn tỉnh nhiệm kỳ 2023 – 2028, Hội Nông dân huyện Quang Bình đã phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Thông qua phong trào đã có nhiều hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ gia đình hội viên có thu nhập từ 200 triệu đồng đến trên 2 tỷ đồng/năm. Điển hình như hộ ông Hoàng Văn Hành, thôn Trung, xã Bằng Lang có thu nhập 260 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi gà; Mô hình trồng cam, trồng rừng, nuôi trâu và kinh doanh vật liệu xây dựng của hộ ông Hoàng Thế Rụ, thôn Xuân Hà, xã Yên Hà cho thu nhập 1 tỷ 400 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn, nuôi gà, máy ấp trứng và nuôi cá của hộ Nông Văn Vịnh, thôn Thượng Minh, xã Vĩ Thượng cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất và chế biến chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP của hộ Phùng Sùn Chòi, thôn Minh Sơn, xã Xuân Minh cho thu nhập trên 380 triệu đồng/năm; mô hình trồng cam và chăn nuôi tổng hợp hộ ông Đặng Hồng Minh, thôn Buông, xã Tiên Yên cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn, kinh doanh vật liệu xây dựng hộ Hoàng Văn Khoa, thôn Tân Lập, xã Tân Trịnh cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP hộ Lý Chàn Tòng, thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên cho thu nhập trên 800 triệu đồng/năm; mô hình phát triển kinh tế tổng hợp hộ ông Nguyễn Ngọc Đường, thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi lợn rừng sinh sản và thương phẩm của gia đình ông Ngô Văn Huynh, thôn Thượng, xã Bằng Lang, duy trì 200 con, cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm...
Mô hình nuôi lợn rừng của hộ anh Nông Văn Huynh, thôn Thượng, xã Bằng Lang. |
Đặc biệt có những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm cho thu nhập từ 2-3 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương như mô hình trồng cam, chăn nuôi gà, nuôi cá của hộ Nguyễn Đức Nghĩa, thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn thu nhập 2,5 tỷ/năm; Mô hình trồng rừng, trồng cam, nuôi cá hộ ông Trưởng Văn Định, thôn Chàng Mới, xã Yên Hà cho thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm.
Đến thăm mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm của hộ ông Nguyễn Đức Nghĩa, thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn. Với bạt ngàn cam chín vàng khắp các triền đồi kết hợp nuôi gà. Ông Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Tôi và vợ từ huyện Hàm Yên, Tuyên Quang lên đây liên kết với 18 hộ gia đình cùng tham gia trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap, nuôi gà. Với diện tích hơn 20 ha cam, mỗi năm cho thu hoạch trên 300 tấn quả, với giá trên 10 nghìn đồng/kg như năm nay, riêng tiền cam đã cho thu nhập hơn 3 tỷ đồng, chưa kể tiền thu nhập từ bán gà”.
Thật thán phục khi đến thăm mô hình cải tạo vườn tạp, chăn nuôi dê vỗ béo, nuôi chim Bồ câu của anh Nông Văn Thánh, thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng, bởi anh là người tàn tật, hộ nghèo. Bí thư Chi bộ thôn Hạ Quang cho biết: Anh Thánh bị tàn tật sau một cơn tai biến năm 2015, sau khoảng một tháng “chết lâm sàng”, may mắn anh đã hồi phục, nay vẫn liệt một tay. Được sự giúp đỡ của xã, thôn và bà con hàng xóm, anh đã cố gắng vươn lên, cải tạo vườn tạp, nuôi dê, chim Bồ câu, hiện cho thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng. Còn hộ nông dân Hoàng Văn Huynh, thôn Thượng, xã Bằng Lang, qua tìm hiểu, thấy nhu cầu thị trường, người dân ngày càng muốn được ăn thực phẩm ngon, sạch. Anh đã bàn với vợ vay vốn đầu tư vào chăn nuôi lợn rừng giống và thương phẩm. Anh Hoàng Văn Huynh chia sẻ: Với gần 2 ha đất vườn, tôi đã cải tạo trồng cam VietGap, mỗi năm cho thu hoạch từ 1,5-2 tấn quả và trồng chuối làm thức ăn cho lợn. Hàng năm gia đình luôn duy trì nuôi khoảng 200 con lợn lai rừng sinh sản và lợn thương phẩm. Hiện giá lợn thương phẩm bán tại chỗ khoảng 140.000 – 150.000 đồng/kg, mỗi năm thu nhập từ cam và lợn gia đình thu về từ 200 – 250 triệu đồng…
Có thể thấy, mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, nhưng những hội viên Hội Nông dân huyện Quang Bình đều có một khát vọng vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững bằng những việc làm, mô hình cụ thể. Đây là một tin vui, tích cực, tạo sức lan tỏa lớn trong nhân dân nói chung và hội viên Hội Nông dân huyện Quang Bình nói riêng.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc