Giải pháp nâng giá trị canh tác nông nghiệp
BHG - Nghị quyết số 39/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 60 triệu đồng/năm. Thực hiện mục tiêu trên, nhiều giải pháp của chính quyền và ngành Nông nghiệp các cấp được triển khai quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu cuối năm 2023 giá trị thu hoạch sản phẩm trồng trọt đạt 62 triệu đồng/ha/năm vượt mục tiêu Nghị quyết trước 2 năm.
Người dân Yên Minh chăm sóc cây ngô vụ Xuân |
Với điều kiện và đặc thù của tỉnh miền núi, ngành Nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng vẫn khẳng định vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Điều này được minh chứng rất rõ trong hơn 2 năm đại dịch Covid – 19 bùng phát, tổng sản lượng lương thực của tỉnh duy trì đạt gần 42 vạn tấn, giá trị sản xuất trồng trọt bình quân năm 2021 và 2022 đạt 53,06 và 59,5 triệu đồng/ha, tăng lần lượt 6,1 và 8,1% so với năm trước. Qua đó đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân của tỉnh (GRDP) 2 năm qua đạt 4,5% và 7,8%.
Tổng diện tích đất canh tác toàn tỉnh có trên 140 nghìn ha. Diện tích và sản lượng các loại cây lương thực những năm qua không có sự đột phá lớn; cây có hạt và rau, màu các loại phát triển ổn định. Tuy nhiên, nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả có xu hướng giảm diện tích và năng suất do đến cuối giai đoạn phát triển và ảnh hưởng của sâu, bệnh hại như cây cam hiện nay giảm trên 1.400 ha so với năm 2021. Vì vậy, để nâng cao giá trị canh tác, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp xác định quan điểm chỉ đạo tập trung đẩy mạnh và hình thành vùng sản xuất theo hướng hàng hóa có quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và vùng, miền; quan tâm tới các diện tích cây trồng được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Tăng cường đầu tư thâm canh, áp dụng giống mới và quy trình sản xuất mới đem lại năng suất, chất lượng cao. Kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm đầu vào và quy trình thu hoạch, chế biến đầu ra. Tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản... Đây là những yếu tố quan trọng giúp gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác.
Mô hình chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng Củ cải xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Xín Mần. Ảnh: DUY TUẤN |
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 14, xác định mục tiêu phấn đấu trên một số loại cây trồng chủ lực như: Sản lượng lương thực đạt trên 41,8 vạn tấn, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tập trung phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi lúa gạo ở các huyện như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Yên Minh, Đồng Văn. Đảm bảo sản lượng rau đậu các loại trên 126 nghìn tấn, chú trọng phát triển rau quả chất lượng cao, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật ở những nơi phù hợp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – chế biến. Phấn đấu sản lượng cây đậu tương, lạc đạt trên 43 nghìn tấn, cây ăn quả ôn đới trên 6.500 tấn gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch sinh thái. Khắc phục các nhược điểm cây ăn quả có múi của tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu sản lượng đạt 56 nghìn tấn. Duy trì sản lượng chè búp tươi đạt trên 85 nghìn tấn, tập trung chế biến các sản phẩm chè cao cấp, hình thành vùng nguyên liệu xuất khẩu. Nâng cao chất lượng các sản phẩm dược liệu…
Giải pháp quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ trên là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phân công, giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, đơn vị với những mục tiêu, giải pháp cụ thể gắn với tăng cường tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, hình thành mối liên kết và đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Làm tốt công tác quy hoạch phát triển vùng sản xuất quy mô lớn; rà soát, điều chỉnh tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các loại cây trồng chủ lực, liên kết sản xuất theo cơ chế hợp tác “4 nhà”; tăng cường cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích đất không chủ động nước tưới để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, không để đất bị bỏ hoang. Bố trí, cơ cấu lại cây trồng, mùa vụ và giống để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và phù hợp với điều kiện từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khảo nghiệm, sản xuất thử các giống mới gắn với chăm sóc, bảo vệ cây trồng hợp lý theo nguyên tắc “5 đúng” (đúng loại phân, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng thời vụ, đúng cách bón). Đẩy mạnh thâm canh ngay từ đầu vụ, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ và cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến. Tận dụng tối đa và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các chương trình, chính sách của Trung tương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân...
Tính đến ngày 6.3, tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân đạt gần 40 nghìn ha. Trong đó, cây lúa gần 8.800 ha, đạt 94,6% kế hoạch (KH); cây ngô trên 17.400 ha, đạt 94,1% KH; cây đậu tương trên 3.160 ha, đạt 65,3% KH; cây lạc trên 4.560 ha, đạt 78,9% KH... Trong 3 tháng đầu năm thời tiết rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đây là tín hiệu đáng mừng để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực trồng trọt năm 2023.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc