Giá gia súc xuống thấp, nông dân gặp khó khăn
BHG - Nhiều năm nay, chăn nuôi gia súc là nghề đem lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, giá gia súc liên tục giảm mạnh, đầu ra bấp bênh khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn.
Trước đây anh Vương Đức Hồng, thôn Tân Tiến, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đầu tư chuồng trại chăn nuôi 8 con trâu, anh Hồng không khỏi lo lắng khi lâm vào cảnh bán cũng không được, để nuôi cũng chẳng xong. Đầu năm nay, anh Hồng bán 2 con trâu được hơn 50 triệu đồng, cùng số trâu này nếu như năm trước phải bán được với giá trên 80 triệu đồng. Anh Vương Đức Hồng chia sẻ: “Cách đây 2 năm tôi mua trâu về chăn nuôi với mục đích bán trâu vỗ béo, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc buôn bán của tôi. Nếu trước đây tôi mua 1 con trâu về với giá 30 triệu đồng thì đến bây giờ sau 2 năm chăn nuôi tôi cũng chỉ bán được với giá đó, nghĩa là sau 2 năm chăn nuôi tôi không có lãi từ nuôi trâu, thậm chí còn lỗ chi phí cám, thức ăn chăn nuôi… Trong khi bao nhiêu vốn của gia đình đều đổ hết vào việc chăn nuôi trâu”.
Chuồng trại chăn nuôi của anh Vương Đức Hồng, thôn Tân Tiến, xã Quyết Tiến (Quản Bạ). |
Tương tự như anh Hồng, gia đình anh Vàng Thìn Lẩu, xã Phong Quang (Vị Xuyên) trước đây luôn là hộ chăn nuôi trâu, bò nhiều nhất trong thôn, với quy mô đàn từ 10 đến 15 con. Trung bình mỗi con bò khi xuất chuồng đạt khoảng 3 tạ, anh Lẩu có thể bán được với giá từ 30 đến 35 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, giá trâu, bò giảm mạnh chỉ còn từ 55 - 60 nghìn đồng/kg hơi. Với mức giá này, trung bình bán một con bò lỗ hơn 10 triệu đồng nên anh Lẩu phải giảm số lượng chăn nuôi xuống và hiện tại gia đình anh không mua thêm trâu, bò về chăn nuôi nữa.
Không riêng các hộ chăn nuôi trâu, bò, người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh cũng đang lâm vào cảnh thua lỗ do giá lợn giảm, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng. Điều này, ảnh hưởng đến việc phát triển đàn gia súc chăn nuôi và thu nhập của người dân. Trước tình hình trên, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp để thích nghi như thay đổi khẩu phần ăn, ủ chua phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, tăng nguồn thu từ việc chế biến phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi gia súc. Chị La Thị Nga, thôn Tà Vải, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) cho biết: “Hiện tại nhà tôi đang chăn nuôi 200 con lợn thịt và 20 con lợn nái, với tình hình giá bán gia súc giảm như hiện nay thì ảnh hưởng rất nhiều đến người chăn nuôi như chúng tôi. Rất may là nhà tôi tự chủ động được thức ăn chăn nuôi từ nguồn bã rượu và rau cỏ trong vườn và chủ động được về con giống nên không bị thua lỗ như các hộ chăn nuôi khác”.
Hiện nay tổng đàn vật nuôi của tỉnh có khoảng 158 nghìn con trâu, 125 nghìn con bò, 556 nghìn con lợn. Những năm gần đây, giá gia súc liên tục giảm do nguồn cung đang vượt cầu, trong khi đó, việc xuất khẩu gia súc gặp khó khăn. Để khắc phục, trước mắt, ngành nông nghiệp đang tuyên truyền người dân duy trì và tập trung phòng, chống dịch để hạn chế thiệt hại. Đồng thời, vận động các hộ chăn nuôi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nhằm phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.
Bài, ảnh: VIỆT TÚ
Ý kiến bạn đọc