Mô hình trồng cây khoai tây ở xã Tùng Vài
BHG - Những năm gần đây, người dân một số thôn trên địa bàn xã Tùng Vài (Quản Bạ) đã chuyển đổi dần các cây có năng suất, giá trị kinh tế thấp sang trồng khoai tây.
Người dân thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài chăm sóc cây khoai tây. |
Vụ Đông năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quản Bạ phối hợp với Trạm Khuyến nông hỗ trợ trồng khoai tây theo hướng hàng hóa, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững xã Tùng Vài tại thôn Tùng Pàng và thôn Bản Thăng.
Mô hình được triển khai trong thời gian 6 tháng (từ tháng 6-12.2022) với quy mô 7,9 ha. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng theo hình thức đầu tư có thu hồi.
Trong quá trình triển khai, các hộ được cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn theo đúng quy trình thâm canh khoai tây từ khâu kỹ thuật làm đất, lên luống, mật độ trồng, định mức giống, định mức phân hữu cơ, vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình chăm sóc... Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên diện tích trồng khoai tây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt 8 tấn/ha.
Với giá bán trung bình tại thời điểm sau thu hoạch 8 triệu đồng/tấn tươi, mỗi ha đem lại lợi nhuận 64 triệu đồng.
Gia đình bà Hạng Thị Súa, thôn Bản Thăng là một trong những hộ tham gia mô hình, phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, vụ Đông gia đình thường trồng ngô, nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, năm nay được Nhà nước hỗ trợ trồng khoai tây, gia đình tôi trồng 1.000 m2”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài cho biết: “Thành công từ mô hình trồng cây khoai tây vụ Đông tại 108 hộ dân của xã, trong đó có 65 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo đang mở ra hướng đi mới cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. Hiệu quả kinh tế mà cây khoai tây vụ Đông đem lại đã khẳng định các diện tích đất ruộng tại xã Tùng Vài sau khi thu hoạch lúa vụ Mùa hàng năm đều có thể trồng và nhân rộng diện tích”.
Triển khai thành công mô hình trồng khoai tây tại xã vùng cao biên giới Tùng Vài không chỉ nâng cao thu nhập cho bà con, mà còn góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển phong trào sản xuất cây vụ Đông. Liên kết trong sản xuất, còn giải quyết nỗi lo được mùa mất giá cho nông dân, hướng tới một nền sản xuất ổn định, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho nông dân các xã vùng cao trong huyện.
Bài, ảnh: Nguyễn Dịu
Ý kiến bạn đọc