Đồng Văn tạo đà cho các xã nội địa vươn lên
BHG - Huyện Đồng Văn có 19 xã, thị trấn, trong đó có 10 xã nội địa. Những năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách phát triển khu vực biên giới của T.Ư, của tỉnh, huyện, các xã, thị trấn biên giới có sự thay đổi vượt bậc về mọi mặt. Nhằm tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, UBND huyện đã có nhiều chính sách, tạo lực cho các xã nội địa vươn lên. Nhờ đó, đến nay, bộ mặt nông thôn huyện vùng cao Đồng Văn có sự khởi sắc rõ nét, đặc biệt, có sự phát triển đồng đều hơn giữa các vùng, khu vực.
Tại các xã nội địa, nhiều công trình được đầu tư xây dựng phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trong ảnh: Hồ chứa nước xã Vần Chải giải quyết một phần tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất của người dân. |
Thực tế, 10 xã nội địa của huyện Đồng Văn hầu hết đều không có lợi thế để phát triển du lịch, giao thương, buôn bán như các xã, thị trấn biên giới. Nắm rõ tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã nội địa phát triển kinh tế với quan điểm: Lấy sản phẩm nông nghiệp phục vụ ngành Du lịch và du lịch thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Theo đó, huyện chỉ đạo tập trung triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tăng tỷ trọng chăn nuôi. Đồng thời, xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tại một số xã như: Gà xương đen, Sâm khoai Tả Lủng; chè Shan tuyết Lũng Phìn; mật ong Bạc hà Vần Chải; một số mặt hàng đan lát, thủ công như: Chế tác khèn Mông của xã Tả Phìn, Hố Quáng Phìn,... Đồng thời, quan tâm đầu tư các tuyến đường tại các xã nội địa để người dân thuận lợi trong quá trình vận chuyển sản phẩm nông nghiệp, giao thương, buôn bán như tuyến đường từ thị trấn Đồng Văn đi Tả Lủng, tuyến đường ngã 3 Phố Bảng đi Sảng Tủng,...
Vần Chải là xã nội địa còn nhiều khó khăn với điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt: Thiếu đất, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, xa trung tâm huyện,… Vượt qua khó khăn, với những nỗ lực không ngừng, những năm qua và đặc biệt năm 2022, xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế. Năm 2022, trong tổng số 42 chỉ tiêu có 28 chỉ tiêu đạt và vượt, 13 chỉ tiêu đạt từ 51-99%. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 1.800 tấn. Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 14,2 triệu đồng; giá trị sản phẩm/ha đất cây trồng hàng năm 36,7 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi đạt 35,7%. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 69,7%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt 80,2%; tỷ lệ trẻ em sinh ra được khai sinh đạt 100%. Toàn xã bảo vệ và phát triển được 200 ha cây Bạc hà, duy trì, phát triển gần 1.100 đàn ong. Đồng chí Cháng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Vần Chải cho biết: Dù nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã giúp Vần Chải đạt được những kết quả tích cực. Hiện, xã đạt 11 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, khu vực trung tâm xã được huy động nguồn xã hội hóa lắp đặt hệ thống đèn năng lượng xây dựng thành tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp”. Đặc biệt, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 10,5%, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Với những chủ trương phát triển của huyện, năm 2023 và những năm tiếp theo, để phát triển một cách toàn diện, xã tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển diện tích cây hoa Bạc hà; tích cực vận động xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất…
Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Để tạo sự đồng đều giữa các vùng, các xã, huyện tập trung một số nguồn lực để phát triển các xã nội địa như: Khuyến khích các xã duy trì tốc độ phát triển ổn định của nông, lâm nghiệp đi đôi với tập trung đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai, tạo bước phát triển vững chắc trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung phát triển chăn nuôi quy mô hộ gia đình và chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, vừa ở những hộ, vùng có điều kiện. Duy trì và phát triển các ngành nghề thủ công, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Khuyến khích các xã tạo ra những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Huyện sẽ tiếp tục ưu tiên cải thiện cơ sở hạ tầng tại các địa phương này. Các địa phương cần chủ động đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư, kết hợp với huy động nguồn lực của nhân dân trong việc đóng góp kinh phí để thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới và các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn. Tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang… Quan trọng nhất là phát huy nội lực của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị ổn định và phát triển kinh tế vững mạnh, từ đó tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, thúc đẩy huyện Đồng Văn phát triển bền vững.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc