Phát triển mô hình kinh tế ở thôn Bản Thăng
BHG - Hiện nay, thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài (Quản Bạ) có 6 mô hình kinh tế, gồm: 1 mô hình nuôi bò và nuôi lợn; 1 mô hình nuôi cá Tầm; 2 mô hình nuôi vịt Bầu; 1 mô hình trồng cây rau trái vụ; 1 mô hình trồng cây Gai xanh. Việc tập trung phát triển các mô hình kinh tế đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, từng bước giảm nghèo bền vững.
Các ban, ngành, đoàn thể huyện Quản Bạ tham quan mô hình nuôi vịt Bầu của gia đình anh Vương Phát Qúy. |
Nhằm phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân trong thôn luôn tương thân, tương ái, đoàn kết phát huy các tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình kinh tế mới có tính hiệu quả lâu dài; cơ giới hóa trong nông nghiệp; cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa; sử dụng các loại phân bón hữu cơ để bảo vệ môi trường; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Đến thăm mô hình nuôi vịt Bầu của anh Vương Phát Qúy, thôn Bản Thăng, vừa chăm sóc đàn vịt anh Qúy vừa chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng của gia đình có đất rộng, nguồn nước dồi dào, cùng với đó là khí hậu quanh năm mát mẻ rất thích hợp cho nuôi vịt. Vì vậy, năm 2016 tôi đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi vịt với quy mô 1.000 con; do tuân thủ đúng các quy trình nuôi, cách chăm sóc theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn nên mỗi năm tôi xuất bán được 3 lứa. Bình quân sau khi trừ hết các khoản chi phí, tôi có thu nhập trên 80 triệu đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài, Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Việc tập trung phát triển các mô hình kinh tế ở Bản Thăng là nền tảng và hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp; trình độ thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa hình thành được các sản phẩm đặc trưng; một số bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cơ chế, chính sách và đầu tư của Nhà nước... nên việc phát triển các mô hình kinh tế ở thôn còn chậm, chưa có tính đột phá.
Để khắc phục những khó khăn, UBND xã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến toàn thể người dân, đặc biệt là các chính sách, cơ chế ưu đãi trong việc hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để động viên, khuyến khích người dân mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế; khen thưởng cá nhân, hộ điển hình tiên tiến trong phát triển sản xuất và xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả; vận động nhân dân liên kết trong sản xuất, hạn chế dần và tiến tới xóa bỏ quan niệm sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Nhân rộng các mô hình kinh tế ở thôn Bản Thăng, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền thì mỗi người dân hãy tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm phát huy nội lực của chính mình tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ Nhà nước, hướng đến bức tranh kinh tế của địa phương ngày càng tươi đẹp.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc