Nâng tầm sản phẩm thảo quả Vị Xuyên
BHG - Vị Xuyên là một trong những địa bàn trọng điểm của tỉnh về trồng thảo quả; mặc dù được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ “chỉ dẫn địa lý” (CDĐL) nhưng sản phẩm thảo quả chưa phát triển xứng tầm. Để nâng cao giá trị thảo quả, Viện Kinh tế và Phát triển (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) triển khai Dự án Quản lý và phát triển CDĐL Vị Xuyên đối với sản phẩm thảo quả thông qua việc phát triển các sản phẩm và xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Người dân Vị Xuyên thu hoạch thảo quả. |
CDĐL Vị Xuyên cho sản phẩm thảo quả bao gồm toàn bộ vùng trồng thảo quả dọc theo dãy núi Tây Côn lĩnh, thuộc vùng cao của huyện Vị Xuyên với tổng diện tích hơn 2.876 ha, trên địa bàn 9 xã: Cao Bồ, Phương Tiến, Thượng Sơn, Quảng Ngần, Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy, Kim Linh. Thảo quả được trồng chủ yếu là thảo quả đỏ, được người dân gọi là giống thảo quả địa phương và giống thảo quả lai nhập. Việc trồng, chăm sóc thảo quả thường gắn liền với tập tục của đồng bào các dân tộc vùng cao, gần như khai thác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Trước đây, đồng bào các dân tộc không có tập quán gieo trồng mà chủ yếu thảo quả mọc tự nhiên. Khoảng 15 năm trở lại đây, nhận thấy cây thảo quả đem lại giá trị kinh tế cao, với sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp và các tổ chức, người dân bắt đầu nhân giống và trồng thảo quả. Tuy nhiên, do nương thảo quả đều xa khu dân cư, việc đi lại, vận chuyển phân bón, chăm sóc, quản lý bảo vệ... gặp nhiều khó khăn, nên người dân chăm sóc thảo quả chủ yếu theo phương thức quảng canh, bán tự nhiên. Hàng năm, người dân chỉ tổ chức phát quang, nhổ bỏ những cây xâm lấn xung quanh gốc thảo quả 2 lần/năm và chặt bỏ những cây thảo quả già, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, thảo quả Vị Xuyên là sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững hiện nay.
Trồng thảo quả giúp người dân có cuộc sống ấm no. |
Theo tìm hiểu, vào khoảng tháng 10 đến hết tháng 11 hàng năm, khi thảo quả già sẽ được người dân thu hoạch và thường sấy khô. Ngày trước do phụ thuộc vào giá cả thị trường của Trung Quốc và tâm lý người dân lo sợ mất trộm nên thường thu hoạch thảo quả non, dẫn đến năng suất, sản lượng giảm khoảng 20 - 30%, chất lượng sơ chế thấp (quả nhỏ, tối màu, thời gian bảo quản ngắn) dẫn đến giảm 10 - 15% thu nhập. Các thôn vùng cao có diện tích thảo quả trên rừng già, người dân xây dựng các hương ước, quy ước và có sự kiểm tra, giám sát chéo giữa các hộ trong việc giữ rừng, bảo vệ vườn thảo quả nên thảo quả khi thu hoạch đảm bảo chín già và cho chất lượng tốt. Hiện bà con nông dân thường sấy theo phương pháp thủ công, vừa tốn nhiều nhiên liệu, vừa dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng và phá rừng. Hơn nữa, sản phẩm thảo quả khô thường có mùi khói, đòi hỏi các lò sấy phải được đầu tư cải tiến. Đặc biệt, mặt hàng thảo quả Vị Xuyên được bán ra thị trường chủ yếu theo dạng quả khô, chưa quy định rõ chất lượng, hiện chưa có các sản phẩm được chế biến tinh từ thảo quả (tinh dầu, dược liệu chiết xuất…). Ước tính bình quân tổng sản lượng thảo quả tươi hàng năm toàn huyện khoảng trên 2.900 tấn, tương đương khoảng 750 tấn thảo quả khô.
Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên Đỗ Anh Tuấn, cho biết: Sản phẩm thảo quả của huyện mặc dù có bằng bảo hộ CDĐL nhưng việc xây dựng, quản lý và khai thác CDĐL chỉ dừng lại ở kết quả đăng ký xác lập quyền, chưa thực hiện các nội dung về quản lý, sử dụng và khai thác CDĐL một cách hiệu quả nhằm mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất, kinh doanh thảo quả tại địa phương. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý và khai thác CDĐL trong điều kiện hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những sản phẩm đặc trưng truyền thống, thể hiện nét văn hoá vùng miền như thảo quả Vị Xuyên. Sản phẩm thảo quả của huyện chưa phát triển về sản lượng, quản lý và khai thác giá trị thương hiệu nên giá trị mang lại còn thấp.
Giải quyết tình trạng đó, huyện xác định phát huy giá trị CDĐL, việc xây dựng hệ thống tổ chức quản lý, sử dụng và khai thác CDĐL đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, huyện đã thành lập Hội sản xuất và thương mại thảo quả Vị Xuyên, đảm nhận vai trò đại diện quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, các tổ chức kinh tế, hội nghề nghiệp và người trồng thảo quả trong việc quản lý và phát triển CDĐL Vị Xuyên cho sản phẩm thảo quả; hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, các công cụ, quy trình quản lý, các điều kiện vật chất, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý và phát triển CDĐL; hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phương pháp quản lý dữ liệu và quản lý lãnh thổ cho sản phẩm thảo quả mang CDĐL; hỗ trợ xây dựng một số mô hình thí điểm quản lý và phát triển CDĐL, các mô hình hệ thống tổ chức sản xuất, thương mại cho sản phẩm thảo quả; các mô hình doanh nghiệp, cộng đồng tham gia bảo tồn nguồn giống gốc và phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ nghiên cứu thị trường, ngành hàng và xây dựng hệ thống thương mại, tổ chức quảng bá CDĐL cho sản phẩm thảo quả; mở rộng, chuyển giao vận hành hệ thống tổ chức quản lý và phát triển CDĐL cho nông dân, hội sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thảo quả mang CDĐL Vị Xuyên và các cơ quan liên quan. Mặt khác, xây dựng chiến lược phát triển cho sản phẩm thảo quả, tìm thêm các thị trường tiêu thụ cũng như các kênh phân phối để kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng; đa dạng hóa các kênh tiêu thụ góp phần ổn định giá thảo quả. Phát triển các sản phẩm được chế biến từ thảo quả mang CDĐL Vị Xuyên là hướng đi nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.
Ông Bùi Văn Quang, Chủ nhiệm đề tài Dự án Quản lý và phát triển CDĐL Vị Xuyên đối với sản phẩm thảo quả chia sẻ: Các đối tượng tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ dự án là những người canh tác thảo quả trên địa bàn huyện Vị Xuyên được phép sử dụng CDĐL. Tiêu chí để được phép sử dụng CDĐL thảo quả Vị Xuyên đó là người canh tác thảo quả trên địa bàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng đã được xây dựng và nằm trong vùng bảo hộ. Đối tượng được phép sử dụng CDĐL được hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác, bảo quản và chế biến thảo quả, hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ; được tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh thương mại do dự án xây dựng và phát triển; được sử dụng nhãn, tem, bao bì sản phẩm do dự án xây dựng; được cập nhật các thông tin về thị trường, tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu quảng bá sản phẩm; được pháp luật bảo vệ khi CDĐL thảo quả Vị Xuyên bị vi phạm. Người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm thảo quả Vị Xuyên mang CDĐL có chất lượng rõ ràng, có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, dự án còn là một mô hình về xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL nói riêng và thương hiệu nói chung.
Có thể thấy rõ, việc triển khai Dự án Quản lý và phát triển CDĐL Vị Xuyên đối với sản phẩm thảo quả đang góp phần nâng cao trình độ, kỹ thuật canh tác, bảo quản, tổ chức hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh thảo quả Vị Xuyên. Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thảo quả trên thị trường. Thiết lập được kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, tăng 15-20% thu nhập cho người canh tác thảo quả; tăng giá bán sản phẩm lên 10% và mở rộng thị trường tiêu thụ lên 20%. Góp phần thu hút lao động, tạo việc làm cho người dân địa phương và hỗ trợ phát triển du lịch. Bảo tồn và phát triển được một giống thảo quả cổ truyền của địa phương.
Bài, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc