Cẩm nang cho “tam nông” trong giai đoạn mới
BHG - Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), với sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, “tam nông” đã khoác lên mình diện mạo mới với nhiều thành tựu ấn tượng, trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế, đảm bảo sinh kế cho người dân, giúp giảm nghèo bền vững.
Đường giao thông nông thôn xã Tùng Bá (Vị Xuyên) được xây dựng khang trang, sạch đẹp. |
Với đặc thù là tỉnh có trên 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, tỉnh ta xác định nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế và sự phát triển của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt ra nhiều chỉ tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá liên quan đến phát triển nông nghiệp như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân, tỷ lệ che phủ rừng, phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Tỉnh ủy ban hành 4 nghị quyết chuyên đề trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025: Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; phát triển bền vững cây cam Sành; phát triển lâm nghiệp bền vững; phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Các nghị quyết đã định hướng phát triển ngành Nông nghiệp trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế, ưu tiên phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng, chủ lực, giá trị. Qua đó, giúp nông nghiệp khởi sắc: Năm 2022, giá trị sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.870 tỷ đồng, chiếm 30,58% giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm ước đạt 177.414 ha; tổng sản lượng lương thực đạt trên 419.970 tấn; duy trì và nâng cao chất lượng 6.890 ha cam, sản lượng ước đạt 78.682 tấn; diện tích chè ước đạt 20.378 ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 90.608 tấn; phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; cải tạo 2.325 vườn tạp, hiện có 1.935 vườn đã cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trước. Toàn tỉnh hiện có 270 sản phẩm đạt chuẩn Ocop. Trình độ sản xuất của người dân được nâng cao thông qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư duy sản xuất nông nghiệp đổi mới, thích ứng nhanh, linh hoạt với thị trường, hướng đến sản xuất hàng hóa.
Người dân xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) phát triển chăn nuôi quy mô trang trại mang lại thu nhập cao. |
Cùng với đó, Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) được triển khai quyết liệt, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới với 47 xã đạt chuẩn NTM; nhân dân có điều kiện tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao được chú trọng; hạ tầng bưu chính viễn thông phát triển. Chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn không ngừng được nâng lên.
Bên cạnh những thành tựu to lớn, “tam nông” vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm: Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư; ứng dụng KHKT vào sản xuất còn hạn chế; hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ; việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM gặp nhiều khó khăn; chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển; đội ngũ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn tuyến cơ sở còn thiếu...
Để phát triển “tam nông” lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 19). BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 19 với quan điểm chỉ đạo: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho “tam nông” đảm bảo phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị; phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; xây dựng NTM hiện đại, giàu bản sắc, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh. Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP ngành Nông nghiệp từ 5,5 - 6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân trên 8%/năm; đến hết năm 2025, có thêm 35 xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020; 100% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 60%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, tỉnh tập trung các giải pháp trọng tâm: Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ cho nông dân và cư dân nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển dịch vụ nông thôn; hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm ổn định; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; thực hiện hiệu quả các chính sách về “tam nông”; đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Nông nghiệp; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; chủ động hợp tác, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ, các tố chức chính trị - xã hội ở nông thôn.
Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết số 19 với nhiều giải pháp đồng bộ được xem là cẩm nang quan trọng để “tam nông” tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hướng đến xây dựng nông thôn hiện đại.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc