“Bức tranh” kinh tế khởi sắc
BHG - Năm 2022, năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH; trong bối cảnh nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự điều hành chủ động, linh hoạt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, KT - XH của tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật.
Người dân xã Tùng Bá (Vị Xuyên) cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. |
Nhiều điểm sáng
Một trong những điểm sáng rõ nét nhất trong “bức tranh” kinh tế năm 2022 của tỉnh là sự vươn mình của ngành Du lịch (DL). Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid - 19, DL phục hồi mạnh mẽ. Khách DL đến tỉnh đạt 2,2 triệu lượt người, doanh đạt trên 4.300 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 832 cơ sở lưu trú DL, trong đó có 102 khách sạn, 249 nhà nghỉ, 470 homestay, 11 khu, điểm DL, nhà khách với trên 7.490 buồng phòng, trên 14.620 giường; 3.177 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Công suất sử dụng buồng phòng trung bình đạt 75%, vào ngày lễ, Tết, cuối tuần, công suất sử dụng buồng, phòng đạt 100%. Thành tựu đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh trong việc ban hành các nghị quyết, chương trình phát triển DL bền vững; thường xuyên tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ DL để nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn; triển khai các hoạt động hợp tác phát triển DL; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá DL thông qua nhiều hình thức, trong đó chú trọng quảng bá trên nền tảng số; khảo sát, ra mắt nhiều sản phẩm DL mới; liên kết phát triển DL với các tỉnh trong vùng và các địa phương trong cả nước; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ DL. Tăng trưởng về DL kéo theo tín hiệu khả quan đối với các lĩnh vực khác, đặc biệt là thu ngân sách, việc làm, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, vận tải.
Năm nay, nền kinh tế chuyển trạng thái từ mở cửa thận trọng sang đẩy mạnh mở cửa, đưa đời sống nhân dân trở lại trạng thái bình thường; đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, tạo đà cho kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển với nhiều kết quả quan trọng. Có 29/36 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu tăng cao so với năm 2021 như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP giá so sánh) đạt 16.286 tỷ đồng, tăng 7,8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.790 tỷ đồng, tăng 18,5%; chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng 16,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 14.088 tỷ đồng, tăng 18,3%; lượng khách DL đến tỉnh tăng 142,3%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.565 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán T.Ư giao; tổng dư nợ tín dụng đạt 28.241 tỷ đồng, tăng 8,5%; giải quyết việc làm cho 36.710 lao động, tăng 110%. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đều tăng từ 2 - 9 bậc so với năm trước. Sản xuất nông nghiệp được mùa, diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng chính đều tăng. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm ước đạt 177.414 ha; tổng sản lượng lương thực ước đạt 419.972 tấn. Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Toàn tỉnh đánh giá, phân hạng và cấp chứng nhận 37 sản phẩm OCOP; có 2.325 hộ cải tạo vườn tạp, trong đó có 1.935 vườn đã cho thu nhập bình quân 18,8 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 2-3 lần so với trước khi cải tạo. Đặc biệt, tỉnh hoàn thành 6.700 nhà ở cho gia đình chính sách, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ trên 400 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Các vấn đề về văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm; hoàn thành công tác phục vụ tái đánh giá Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; người dân ngày càng được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khách du lịch tìm hiểu di tích lịch sử Dinh thự Nhà Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. |
Quyết liệt triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2022 là triển khai thực hiện đồng bộ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (gồm: Chương trình phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng Nông thôn mới (NTM); giảm nghèo bền vững). Mặc dù nguồn vốn được T.Ư phân bổ chậm, tỉnh đã chủ động, quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ: Thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh giai đoạn 2021-2025; ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, văn bản chỉ đạo đôn đốc thực hiện. Hoàn thành việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 Chương trình giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố; hướng dẫn, thẩm định danh mục đầu tư; triển khai các kế hoạch chuyên đề. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình đầu tư. Đến hết năm 2022, ước giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 522,6 tỷ đồng.
Tỉnh cung ứng 35.902 tấn xi măng cho các địa phương, làm được 369 km đường bê tông nông thôn; phát động phong trào xây dựng NTM rộng khắp; công nhận xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) đạt chuẩn NTM nâng cao; tăng 26 tiêu chí NTM và hoàn thành đạt chuẩn 22 thôn NTM; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tại 47 xã đã đạt chuẩn; cứng hóa và di dời 428 chuồng trại chăn nuôi; xây dựng 432 bể nước và 736 công trình nhà tắm; nhân dân đóng góp 191.066 ngày công và hiến 120.700 m2 đất xây dựng NTM.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai với 6 dự án thành phần gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT - XH các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của các huyện nghèo. Ngay sau khi có hướng dẫn của các bộ, ngành và phân bổ nguồn vốn của T.Ư, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động về giảm nghèo bền vững và phát động phong trào thi đua, huy động tối đa nguồn lực xã hội phục vụ công tác giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về công tác giảm nghèo; điều tra, rà soát hộ nghèo; khởi công các dự án; xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững để nhân rộng. Trong năm, các huyện đã triển khai đầu tư khởi công mới 62 công trình liên xã thiết yếu, bao gồm: 47 công trình giao thông, 1 công trình điện, 8 công trình trường học, 1 công trình y tế, 3 công trình nước sinh hoạt, 1 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và 1 công trình chợ do cộng đồng đề xuất. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, các cấp, ngành đang thực hiện giải ngân; trong đó, các dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trong năm, toàn tỉnh đã giảm được 8.784 hộ nghèo.
Những kết quả trên tất cả các lĩnh vực của năm nay là “bản lề” quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh “tăng tốc” thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2023 và chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc