Tam giác mạch Hà Giang hướng đến thị trường Nhật Bản
BHG - Những năm qua, cây tam giác mạch của tỉnh Hà Giang đã trở nên rất nổi tiếng, mang lại sức hút du lịch cho tỉnh, đồng thời nhiều hộ dân vùng Cao nguyên đá đã bước đầu có thu nhập từ loại cây này. Bên cạnh những hình ảnh đẹp khẳng định vai trò “đại sứ” du lịch của Hà Giang, nhiều sản phẩm chế biến từ cây tam giác mạch đã và đang được người tiêu dùng biết tới, như các loại bánh, rượu, trà làm từ hạt tam giác mạch. Đặc biệt, hạt tam giác mạch của Hà Giang cũng bắt đầu được sử dụng để sản xuất mì soba - một loại mì của người Nhật Bản.
Hạt tam giác mạch của Hà Giang bắt đầu được sử dụng để sản xuất mì soba - một loại mì của người Nhật Bản |
Trao đổi với phóng viên, ông Matsuo Tomoyuki, Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam cho biết, thời gian qua, hiệp hội đã phối hợp với người dân Hà Giang trồng tam giác mạch, trong năm 2022, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 50 tấn. Cây tam giác mạch được trồng rải rác tại các huyện Mèo Vạc, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì. Hiệp hội cũng khẳng định chất lượng hạt tam giác mạch của Hà Giang rất tốt, phù hợp để chế biến nhiều sản phẩm ẩm thực.
Được biết, trước kết quả bước đầu về khả năng tiêu thụ sản phẩm từ hạt tam giác mạch, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam khẳng định sẽ triển khai phối hợp trồng thêm nhiều diện tích tam giác mạch ở khắp các huyện của tỉnh Hà Giang. Dự định trong những năm tới, hiệp hội sẽ xuất khẩu từ 300 - 600 tấn tam giác mạch/năm. Hiện tại, hiệp hội đang có hợp đồng với hai đối tác tại Nhật Bản trong việc tiêu thụ sản phẩm hạt tam giác mạch. Đây có thể coi là "một công đôi việc", bởi ngoài lấy hạt thì quá trình trồng cây tam giác mạch cũng sẽ góp phần tạo điểm nhấn cho cảnh quan, thu hút du khách đến với Hà Giang.
Ông Matsuo Tomoyuki cũng cho biết thêm: Hiệp hội đang hướng tới việc bán nguồn nguyên liệu hạt tam giác mạch cho các nhà máy sản xuất bột soba và tiếp cận các nhà hàng kinh doanh mì soba để tạo thói quen sử dụng nguồn nguyên liệu "soba Việt Nam" thay cho nguồn nguyên liệu truyền thống ở Nhật Bản, vốn được nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Mỹ hoặc Nga. Bên cạnh đó, Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản – Việt Nam cũng đang thực hiện dự án 110 sản phẩm, gồm 63 sản phẩm từ 63 tỉnh thành Việt Nam, 47 sản phẩm từ 47 tỉnh thành của Nhật Bản, mỗi sản phẩm mang đặc trưng của một tỉnh, thành phố ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản. Qua đó sẽ tập trung vào ẩm thực của từng vùng đất, chọn sản phẩm chứa đựng câu chuyện văn hóa đặc trưng. Cây tam giác mạch cũng sẽ trở thành một sản phẩm mang giá trị bản sắc văn hóa đặc biệt của vùng đất Hà Giang. Các sản phẩm này sẽ được trưng bày tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế FOODEX được tổ chức vào tháng 3 tới đây ở Tokyo.
Có thể thấy rằng, khai thác các sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực cũng là một hướng đi hiệu quả để phát triển du lịch tỉnh nhà. Việc cây tam giác mạch được Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản – Việt Nam lựa chọn để quảng bá cũng cho thấy sức hút, tiềm năng lớn từ loài cây đặc trưng của Hà Giang. Cùng với việc phối hợp với Công ty Du lịch APEX tại Nhật Bản và Việt Nam để tạo ra các tour du lịch nông nghiệp, hiệp hội hy vọng có thể giúp nhiều khách du lịch quốc tế biết đến Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng.
Bài, ảnh: Na Vin
Ý kiến bạn đọc