Sàn thương mại điện tử, kênh phân phối hiện đại cho nông sản

17:41, 20/11/2022

BHG - Khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong phát triển KT-XH, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm phát triển TMĐT, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT. Điều này không chỉ góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho thị trường mua sắm trực tuyến mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Cam Sành được người dân xã Việt Hồng (Bắc Quang) sản xuất đảm bảo chất lượng cung cấp tới người tiêu dùng.
Cam Sành được người dân xã Việt Hồng (Bắc Quang) sản xuất đảm bảo chất lượng cung cấp tới người tiêu dùng.

Không chỉ duy trì và phát triển hiệu quả sàn giao dịch TMĐT của tỉnh tại địa chỉ website: dacsanhagiang.net, Sở Công thương còn tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) có đủ điều kiện để hỗ trợ xây dựng website bán hàng, kết nối với sàn giao dịch TMĐT. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp cung cấp nền tảng số như: Tập đoàn FPT, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Giang… nhằm giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mở gian hàng trực tuyến, đưa sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch TMĐT như: Sendo, Voso, Postmart, Shop VnExpress. Đến nay, tỉnh ta đã có 233 sản phẩm đặc sản OCOP từ 3 – 5 sao và 8 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý (gồm Gạo tẻ Già Dui Xín Mần, Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, cam Sành Hà Giang, chè Shan tuyết Hà Giang, thịt bò Hà Giang, Hồng không hạt Quản Bạ, Thảo quả Vị Xuyên và cá Bỗng Hà Giang) được đưa lên sàn TMĐT. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, HTX, thông qua hoạt động TMĐT, các sản phẩm hàng hóa nông sản đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh được quảng bá nhiều hơn, hình ảnh thiết kế bắt mắt hơn, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước. Qua đó, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và sản phẩm bán được nhiều hơn, tạo thu nhập cao hơn cho người sản xuất.

Đặc biệt, để nâng cao kỹ năng tham gia xúc tiến, quảng bá, trao đổi, mua bán hàng hóa trên sàn giao dịch TMĐT, ngành Công thương đã chủ động phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn vận hành gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch TMĐT cho các chủ thể. Anh Trần Trung Thuyết, Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) chia sẻ: Tham gia tập huấn giúp chúng tôi hiểu hơn về TMĐT, điều kiện để đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch TMĐT, các bước vận hành gian hàng trực tuyến, kỹ năng livestream (phát video trực tiếp) quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Từ đó, nắm được kiến thức, kỹ năng số để bán hàng và giao dịch trực tuyến trên các sàn TMĐT. Hiện nay, HTX có trên 410 ha cam Sành, trong đó, diện tích sản xuất cam VietGAP là hơn 250 ha, năng suất đạt 150 tạ/ha/vụ. Từ niên vụ cam năm 2021 – 2022 cùng với việc bán hàng theo cách truyền thống, HTX thực hiện thêm một kênh phân phối mới, hiện đại, đó là quảng bá, bán sản phẩm cam Sành trên các sàn giao dịch TMĐT Voso, Postmart với tổng sản lượng tiêu thụ gần 50 tấn, có giá bán dao động từ 15 – 17 nghìn đồng/kg.

Hoạt động tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT thời gian qua đã tạo “làn sóng mới”, không chỉ dần hình thành thói quen tiêu dùng trực tuyến của người dân mà còn là giải pháp hữu hiệu tạo ra kênh phân phối mới, hiện đại, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành Công thương: Đa phần các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, nhân lực nên chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thậm chí không có nhân viên quản trị mạng, dữ liệu CNTT, quản trị các sản phẩm, gian hàng của mình trên sàn giao dịch TMĐT. Điều này dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin, đơn hàng và giải quyết đơn hàng cho khách. Hơn nữa, sự tiếp cận bán hàng của nhiều doanh nghiệp, HTX trên các sàn TMĐT chưa chuyên nghiệp từ khâu nhận đơn hàng, giới thiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Mặt khác, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, HTX, để có đơn hàng trên các sàn TMĐT thì chi phí duy trì và quảng cáo tương đối cao so với quy mô sản xuất kinh doanh cũng như khả năng tài chính của đơn vị (từ 60 – 100 triệu đồng/năm)...

Để khắc phục hạn chế trên, hiện nay, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn theo Kế hoạch 67, ngày 2.3.2022 của UBND tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 200 doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ chuyển đổi số; 50% hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn TMĐT; 100% hộ sản xuất nông nghiệp được cung cấp thông tin hữu ích về thị trường nông sản, nguyên vật liệu đầu vào, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón thông qua nền tảng số.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quy hoạch, quản lý quy hoạch tốt là nền tảng thu hút đầu tư
BHG - Xác định công tác quy hoạch luôn đi trước và tạo nền tảng cho thu hút đầu tư phát triển, ngày 23.12.2021, BTV Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 23-NQ/TU về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
18/11/2022
Hội thảo tham vấn ý kiến Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh
BHG - Sáng 18.11, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội thảo tham vấn ý kiến Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2022. Dự hội thảo có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư; Cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố của tỉnh.
18/11/2022
Tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội
BHG - Chỉ còn hơn 1 tháng sẽ khép lại năm 2022 với nhiều dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) của miền đất biên cương cực Bắc. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn địa phương, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực để tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu KT – XH năm 2022.
17/11/2022
Sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ thân thiện với môi trường
BHG - Hà Giang là địa phương sản xuất chè đứng thứ 3 của cả nước với diện tích đạt trên 20.300 ha, sản lượng trên 91.600 tấn. Với điều kiện tự nhiên, sinh thái thuận lợi, sản phẩm chè của tỉnh nổi tiếng có chất lượng sạch, thơm ngon. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế đó, các vùng trồng chè của tỉnh đang đẩy mạnh phát triển sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu và giá trị chè, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
16/11/2022