Quy hoạch, quản lý quy hoạch tốt là nền tảng thu hút đầu tư
BHG - Xác định công tác quy hoạch luôn đi trước và tạo nền tảng cho thu hút đầu tư phát triển, ngày 23.12.2021, BTV Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 23-NQ/TU về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Một góc thành phố Hà Giang nhìn từ trên cao. |
Với quan điểm “Phát triển đô thị phải đảm bảo tính bền vững, gắn với định hướng, chiến lược của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Phát triển đô thị phải đồng bộ, đảm bảo bền vững, hài hòa với cảnh quan, môi trường, không gian thiên nhiên và bản sắc văn hóa đặc trưng của tỉnh; đi đôi với nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Hà Giang…”. Thực hiện Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 190-KH/UBND để giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành.
Thực hiện Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh, với vai trò, trách nhiệm là cơ quan, quản lý nhà nước, Sở Xây dựng đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều văn bản để triển khai các nhiệm vụ về quản lý quy hoạch, qua đó công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đạt được kết quả bước đầu khá tích cực, như: Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, đô thị; quy hoạch xây dựng khu chức năng; quy hoạch nông thôn; quy hoạch chi tiết.
Về quy hoạch đô thị, trung tâm hành chính của 11/11 huyện, thành phố đã có đồ án quy hoạch chung xây dựng; các đồ án đã được điều chỉnh phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay, trong đó có 4 đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung của các đô thị vùng Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UBND tỉnh phê duyệt; một số đồ án đến thời kỳ điều chỉnh đang được Sở Xây dựng cùng UBND các huyện, thành phố lập điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển mới, gồm: Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Cốc Pài và vùng phụ cận đến năm 2035; quy hoạch chung xây dựng thị trấn Việt Quang và vùng phụ cận; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Vị Xuyên đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Yên Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Vinh Quang đến năm 2035, định hướng đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng thị trấn Phố Bảng đến năm 2035, định hướng đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Đồng Văn đến năm 2035, định hướng đến năm 2050.
Đối với quy hoạch nông thôn, trong giai đoạn 2011-2013 các xã của tỉnh đều có quy hoạch chung xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên sau năm 2020, đa số các đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn các xã đã hết giai đoạn thực hiện, hiện các huyện đang từng bước triển khai lập các đồ án cho giai đoạn mới, tuy nhiên căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, nhiều xã vẫn chưa triển khai được việc lập mới các đồ án đã hết hiệu lực, do đó quá trình lập các đồ án mới để thay thế các đồ án đã hết hiệu lực có thể kéo dài trong giai đoạn 2021-2025.
Về thông tin quy hoạch, các đồ án quy hoạch xây dựng được Sở Xây dựng đăng tải trên trang thông tin điện tử http://sxd.hagiang.gov.vn, đây là kênh thông tin trực quan để các nhà đầu tư quan tâm và nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong công tác quản lý kiến trúc, tỉnh đang thực hiện theo Luật Kiến trúc, đây là một công cụ kiểm soát về phát triển kiến trúc và hoạt động xây dựng, nhằm đảm bảo việc hình thành, cải tạo công trình xây dựng hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc đô thị, nông thôn. Đồng thời, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo tồn kiến trúc truyền thống. Hiện, Sở Xây dựng đã tham mưu ban hành các mẫu nhà truyền thống phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương như: Mẫu thiết kế định hình nhà ở truyền thống dân tộc Mông; mẫu nhà ở điển hình áp dụng cho chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Với vai trò quản lý của ngành, Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, thành phố, đặc biệt là các huyện vùng Công viên Địa chất chỉ đạo UBND các xã, phòng chức năng cần có giải pháp bảo tồn kiến trúc truyền thống của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước, Sở Xây dựng đã và sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm Nghị quyết số 23 của BTV Tỉnh ủy về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và triển khai hiệu quả Kế hoạch số 190 của UBND tỉnh Hà Giang về triển khai thực hiện Nghị quyết số 23, đây là yếu tố quyết định sự thành công trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng.
Xác định quan điểm công tác quy hoạch phải đi trước một bước, ưu tiên nguồn kinh phí cho công tác lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, nông thôn làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng; thực hiện nghiêm Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các loại, cấp độ quy hoạch đảm bảo có đủ công cụ để quản lý. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch. Xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm như lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng...
Có thể khẳng định, có quy hoạch tốt, có đồ án tốt và quản lý tốt trật tự xây dựng sẽ tạo nền tảng cho thu hút đầu tư phát triển.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc