Phụ nữ vùng cao và nghề chè Shan tuyết
BHG - Chè Shan tuyết là một trong những sản vật tạo ra nguồn sinh kế ổn định cho nhiều người dân Hà Giang. Với 3 vụ thu hái trong năm và đặc trưng của nghề chè cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, tinh tế về hương vị... những người phụ nữ nắm vai trò chủ chốt trong công việc thu hái và chế biến chè trên vùng trà cổ Hà Giang.
Cây chè Shan tuyết giúp phụ nữ vùng cao có thu nhập. |
Là vùng nguyên liệu chè Shan tuyết cổ thụ, người dân miền núi Hà Giang từ khi sinh ra đã gắn bó với cây chè. Ở những vùng nguyên liệu chè Shan tuyết cổ, hình ảnh người phụ nữ đi hái chè cả ngày, tối về nhóm lửa sao những búp chè tươi thành chè khô để kịp sáng mai mang ra chợ bán đổi lấy những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống gia đình đã trở nên quen thuộc. Sự tỉ mẩn, cần mẫn và khéo léo của của họ cho ra những búp chè thơm, ngon. Điều quan trọng nhất là cây chè tạo cho những người phụ nữ miền núi một thế cân bằng với đàn ông; chè giúp họ có thu nhập, trang chải cho đời sống của mình và gia đình.
Bà Bàn Thị Dần ở thôn Nà Thác, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang theo mẹ học làm chè từ khi còn bé, đến tuổi được gả về nhà chồng ở thôn Lùng Vài, nghề chè được tiếp tục khi bà tiếp quản vùng chè của nhà chồng. Ngày trước, cứ làm xong 1, 2 cân chè khô bà lại lặn lội xuống thị xã để bán. Sớm đi tối về, chỉ kịp đặt bát cơm xuống lại lập tức nổi lửa để có thể sao chè trong ngày. Bởi chè là thứ đỏng đảnh cầu kì nhất, muốn chè ngon hái về phải sao chế ngay mới giữ được hoàn toàn cốt tinh của nó. Kinh nghiệm này được truyền lại từ lâu đời cùng với những lớp tập huấn mà chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức. Từ đó, kĩ thuật lên hương, đánh tuyết cao hơn những người đi trước, mẫu chè cũng đẹp hơn xưa gấp nhiều lần.
Mẻ chè đêm trên bản người Dao. |
Tại thôn Lùng Vài, xã Phương Độ, chúng tôi tiếp đoàn khách yêu trà từ Hà Nội lên thăm những người phụ nữ làm trà thủ công. Chứng kiến và trải nghiệm làm ra những cân chè Shan tuyết loại 1 tôm 1 lá đầy kỳ công của phụ nữ Dao đã thay đổi cảm nhận của những người uống trà miền xuôi, khiến họ cảm phục và thêm yêu quý giá trị sản phẩm mình thưởng thức.
Trước đây phụ nữ Dao làm chè hoàn toàn thủ công, giờ đỡ vất vả hơn do có máy sao chè mi ni, máy vò giúp họ có thể làm chè nhanh hơn, nhàn hơn. Mùa Hè là mùa chị em người Dao mong đợi nhất trong năm. Từ tờ mờ sáng, những người đàn bà chân trần mang cơm nắm ngược dốc lên rừng để hái chè. Những búp chè được hái khi sương còn chưa tan. Chè Shan tuyết được thu hái và sao chế trong ngày cho chất lượng tốt nhất, hương vị đậm đà khó quên, chè để qua đêm bị táp và ô xi hóa cho chất lượng kém hơn hoặc chỉ chế biến thành sản phẩm khác không phải chè xanh.
Nghề làm chè tưởng như chỉ hái những búp lộc trời ban về rồi sao lửa, phơi nắng mà thành nhưng nghề làm chè rừng cũng có nỗi cơ cực riêng của nó. Muốn hiểu cặn kẽ phải đến ở với người dân, cùng làm, cùng thưởng thức từng mẻ chè ra lò mới thấm sự vất vả. Cây chè Shan tuyết giờ đây đã chứng minh được giá trị của mình, là thứ mang lại giá trị kinh tế bền vững.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc