Phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững
BHG - Phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và những cây, con có thế mạnh đặc trưng, tỉnh ta đã và đang tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) để tạo ra những sản phẩm đặc thù. Trên cơ sở đó, vừa sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường sinh thái vừa nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Người dân xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) thu hoạch chè Shan tuyết. |
Theo Giáo sư Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: NNHC ở Hà Giang bước đầu được hình thành và phát triển trên nền địa hình hiểm trở; nông nghiệp truyền thống của địa phương thể hiện đỉnh cao thích thích ứng giữa con người với thiên nhiên. Trong đó, từ bàn tay khéo léo và trí sáng tạo của mình, đồng bào các dân tộc Hà Giang đã làm nên ruộng bậc thang kỳ vĩ và kỹ thuật “thổ canh hốc đá” độc đáo. Không những vậy, Hà Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng mang đặc điểm của khí hậu á nhiệt đới, mùa Đông lạnh kéo dài nên sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có chất lượng tốt, mang tính đặc thù (thơm, ngon, sạch). Hơn nữa, tỉnh còn có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chưa bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm hóa chất, rất phù hợp cho chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ.
Giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh ta bắt đầu thực hiện sản xuất NNHC trên cây chè Shan tuyết, do Liên đoàn Quốc tế về phong trào sản xuất NNHC (IFOAM) triển khai tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên), Tiên Yên (Quang Bình) và các xã Tả Sử Choóng, Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) với tổng diện tích hơn 1.600 ha. Cùng với đó, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chủ trương phát triển diện tích chè theo tiêu chuẩn GAP của cấp ủy, chính quyền tỉnh, đến nay, tỉnh ta có gần 6.800 ha chè Shan tuyết đạt tiêu chuẩn GAP/6.928 hộ nông dân và 25 doanh nghiệp chế biến chè. Trong đó, hơn 1.500 ha/4 cơ sở áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU, Canada, Jap), gần 5.300 ha/21 cơ sở áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Theo thống kê của ngành chuyên môn: Năm 2021, giá trị sản xuất ngành chè đạt hơn 650 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 9% giá trị ngành trồng trọt. Trong đó, sản lượng chè hữu cơ có giá bán bình quân cao gấp 4 -5 lần giá chè búp tươi sản xuất thông thường. Giá trị sản phẩm chè búp tươi được chứng nhận GAP bình quân đạt khoảng 55 – 70 triệu đồng/ha, cao hơn giá trị sản phẩm chè búp tươi sản xuất thông thường từ 15 – 30 triệu đồng/ha.
Cán bộ xã Tân Lập (Bắc Quang) kiểm tra sự phát triển của cây Khôi nhung dưới tán rừng. |
Hiện, tỉnh ta có trên 1.000 loài cây dược liệu quý hiếm với tổng diện tích lên đến hơn 10.700 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê và Vị Xuyên (gồm Thảo quả, Hương thảo, Đỗ trọng, Đương quy, Ấu tẩu, Giảo cổ lam...). Qua kết quả khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy, hầu hết các loài dược liệu trên địa bàn tỉnh đều phát triển tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; là nguồn tài nguyên quý, cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để phát triển cây dược liệu, tỉnh ta đã “trải thảm” thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ký kết với UBND tỉnh chương trình phối hợp nghiên cứu khoa học và phát triển các loài cây dược liệu. Nhiều doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Bình Minh, Công ty Nam Dược, Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng... đã đầu tư sản xuất dược liệu và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
Bên cạnh các sản phẩm trên, tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá của tỉnh hiện có gần 4.100 ha cây hoa Bạc hà, đảm bảo đủ nguyên liệu phát triển hơn 45 nghìn đàn ong. Đặc biệt, cây hoa Bạc hà chủ yếu mọc tự nhiên, không bị tác động bởi sự chăm sóc của con người đã trở thành nguyên liệu độc đáo tạo nên sản phẩm Mật ong Bạc hà nức tiếng, cung cấp ra thị trường hơn 200 tấn mật/năm. Năm 2013, sản phẩm Mật ong Bạc hà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc dùng cho sản phẩm Mật ong Bạc hà của tỉnh; được các chuyên gia đánh giá là loại mật tốt nhất về màu sắc, hương vị (năm 2015) và là một trong 39 mặt hàng nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU (năm 2020).
Ngoài ra, tỉnh ta cũng có nhiều sản phẩm trồng trọt sản xuất theo hướng hữu cơ như: Cam Vàng, cam Sành, lê, mận, Hồng không hạt và cây lúa đặc sản địa phương (Già Dui, Khẩu Mang, Lúa nếp Yên Minh)… Đặc biệt, 8 sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý gồm: Chè Shan tuyết, Mật ong Bạc Hà, cam Sành, gạo Già Dui, Hồng không hạt, Thảo quả, bò Vàng, cá Bỗng. Qua đó, góp phần tạo khởi sắc cho ngành Nông nghiệp khi tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 5,59%/năm, trong đó nông nghiệp đạt 5,32%/năm... Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và định hướng của tỉnh; vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu, sản xuất chưa theo tín hiệu thị trường. Hơn nữa, việc sử dụng phân bón vô cơ, chất tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ còn xảy ra khá phổ biến, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng...
Để “đánh thức” tiềm năng phát triển NNHC, hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển sản xuất NNHC, giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phát triển NNHC dựa trên cơ sở lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và những cây, con có thế mạnh đặc trưng, phù hợp theo tín hiệu thị trường; thu hút sự tham gia của các hợp tác xã, doanh nghiệp có liên kết với các hộ dân trong vùng sản xuất. Qua đó, nhằm tạo ra sản phẩm NNHC có giá trị gia tăng cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, tăng dần tỷ lệ sản phẩm NNHC được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam và các tiêu chuẩn hữu cơ khác theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Hiếu chia sẻ.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc