Nỗ lực giảm nghèo bền vững
BHG - Huy động tối đa các nguồn lực của nhà nước và xã hội; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương; động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát huy nội lực, ý chí vươn lên; lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân làm mục tiêu... Công tác giảm nghèo bền vững đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ.
Người dân xã Tùng Bá (Vị Xuyên) trồng Bưởi da xanh cải tạo vườn tạp để thoát nghèo. |
Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, tỉnh ta có 79.102 hộ nghèo, chiếm 42,08% số hộ toàn tỉnh; trong đó tại 7 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ 48,83% - 67,96%. Nguyên nhân các hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, nguồn vốn, lao động, công cụ, phương tiện sản xuất, kiến thức và kỹ năng lao động, ốm đau, bệnh nặng. Đồng thời, các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm, dinh dưỡng của trẻ em, trình độ văn hóa của người lớn, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và tiếp cận thông tin.
Xác định giảm nghèo là chương trình trọng tâm lớn với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, tỉnh ta đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025 do Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban; ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động cả giai đoạn và từng năm; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân; tăng cường quản lý nhà nước, chỉ đạo công tác điều tra, rà soát hộ nghèo; triển khai đồng bộ các dự án; xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững để nhân rộng; tăng cường tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ theo dõi, thực hiện công tác giảm nghèo các cấp. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát động phong trào thi đua, triển khai chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và tháng cao điểm “Vì người nghèo” để huy động nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo bền vững.
Ngay sau khi có hướng dẫn của các bộ, ngành và phân bổ nguồn vốn của T.Ư về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã chỉ đạo, phân cấp cho các cấp, ngành triển khai kịp thời, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ. Đối với Tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT - XH các huyện nghèo (thuộc Dự án 1) của 7 huyện nghèo, các sở, ngành, địa phương đã phối hợp rà soát danh mục đầu tư, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. HĐND các huyện ban hành Nghị quyết phê duyệt danh mục và phân bổ vốn đầu tư năm 2022. Trong năm, các huyện đã đầu tư khởi công mới 62 công trình liên xã thiết yếu, bao gồm: 47 công trình giao thông, 1 công trình điện, 8 công trình trường học, 1 công trình y tế, 3 công trình nước sinh hoạt, 1 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và 1 công trình chợ do cộng đồng đề xuất. Đối với Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững (thuộc Dự án 4), UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn cho Trường Cao đẳng - Kỹ thuật và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, các cấp, ngành đang thực hiện giải ngân; trong đó các dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo ở cơ sở ghi nhận nhiều khó khăn như: Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành chậm, ảnh hưởng đến tiến độ tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện của tỉnh, đặc biệt là các chính sách trong chương trình quy định phải trình HĐND tỉnh định mức, trình tự thủ tục hồ sơ, thẩm quyền phê duyệt, nên việc triển khai thực hiện ở cơ sở chậm; do điều kiện tự nhiên và khí hậu tại các huyện vùng cao khá khắc nghiệt nên một số hoạt động sản xuất nông nghiệp khó triển khai.
Với mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên. Phấn đấu đến năm 2025 có 2 huyện nghèo và 29 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2020; trên 12.000 hộ nghèo, cận nghèo các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ sinh sống ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin. 100% các huyện nghèo, xã thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT - XH liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa, kết nối thị trường và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.
Để hoàn thành mục tiêu, các cấp, ngành tập trung tăng cường lãnh, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân, đặc biệt là hộ nghèo về công tác giảm nghèo; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo, các chương trình, đề án phát triển KT - XH của tỉnh; huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc