Ngọc Long mở rộng diện tích trồng cây dược liệu

11:04, 08/11/2022

BHG - Với 265,5 ha cây Hồi và Sa nhân tím đang sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch, xã Ngọc Long đang dần trở thành “thủ phủ” phát triển dược liệu của huyện Yên Minh đem lại giá trị kinh tế cao, cho thu nhập khá, mở ra cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho người dân.

Lãnh đạo xã kiểm tra sự phát triển của cây Hồi.
Lãnh đạo xã kiểm tra sự phát triển của cây Hồi.

Ngọc Long nằm phía Nam và cách trung tâm huyện Yên Minh 40 km. Tổng diện tích đất tự nhiên trên 8.426 ha. Với đặc thù là vùng núi đất nên diện tích canh tác của xã rộng lớn: Đất nông nghiệp 3.133 ha, đất rừng 3.228 ha, đất phi nông nghiệp trên 217 ha và còn trên 1.846 ha đất chưa sử dụng. Điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ở Ngọc Long được ngành Nông nghiệp đánh giá phù hợp với cây Hồi và Sa nhân tím. Điều này được khẳng định qua sự phát triển về diện tích và năng suất thu hoạch Hồi và Sa nhân những năm qua.

Chủ tịch UBND xã Ngọc Long, Nguyễn Văn Quốc cho biết: Từ năm 2012, cây Hồi đã được nhân dân đưa vào trồng với diện tích 5 ha. Sau khi được thu hoạch trưng cất lấy tinh dầu và cho năng suất khoảng 200 lít/ha, giá bán bình quân 450.000 đồng, cho thu nhập 90 triệu đồng/ha, cao hơn 3-4 lần trồng ngô, lúa. Nên từ năm 2018 đến nay, nhân dân trong xã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô với tổng diện tích toàn xã hiện đạt 120,5 ha. Toàn bộ diện tích cây Hồi đang phát triển tốt, dự kiến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục cho thu hoạch trưng cất tinh dầu. Với cây Sa nhân tím, bà con đã trồng thử nghiệm từ năm 2018 cho thấy sự sinh trưởng và phát triển tốt, huyện Yên Minh đã hỗ trợ một phần kinh phí mở rộng diện tích cùng sự hưởng ứng của nhân dân nên tổng diện tích toàn xã hiện đạt gần 145 ha. Trong đó, 40 ha cho thu hoạch từ năm 2021 với sản lượng đạt 4,5 tấn, giá bán 55.000 đồng/kg tươi, đem lại giá trị trên 200 triệu đồng. Năm nay, bà con đang thu hoạch, dự báo sản lượng cao hơn năm trước nhiều.

Rừng Sa nhân tím đến kỳ thu hoạch của gia đình ông Lý A Đong.
Rừng Sa nhân tím đến kỳ thu hoạch của gia đình ông Lý A Đong.

Phiêng Kiền là thôn đi đầu trồng cây Hồi và Sa nhân tím ở Ngọc Long. Gần 60 hộ dân trong thôn đều trồng Hồi hoặc Sa nhân tím với trên 30 ha. Nhiều hộ trong thôn đã có nguồn thu từ 2 loại cây này. Trưởng thôn Phiêng Kiền, Lý A Đong cho biết: Tôi và một số hộ trong thôn là những người đầu tiên trồng thử nghiệm 2 loại cây dược liệu này trên địa bàn. Qua khảo nghiệm, cây Sa nhân sau 3 năm trồng bắt đầu được thu hoạch và rất phù hợp khi trồng dưới tán rừng. Trong khi diện tích rừng sản xuất và rừng phòng hộ trên địa bàn thôn và xã rất lớn, tiềm năng để bà con phát triển. Ngoài ra, loại cây này có điểm đặc biệt là tự đẻ nhánh, lan rộng diện tích. Ngoài có thể thu quả còn có thể bán giống. Đồng thời khi thôn, xã bắt đầu trồng nhiều Sa nhân, thương lái đã đến đặt vấn đề thu mua quả. Vì thế bà con rất vui và tích cực mở rộng diện tích. Gia đình tôi hiện có khoảng 3 ha Sa nhân đều đã bắt đầu cho thu hoạch.

Qua khảo sát của xã Ngọc Long, nhu cầu mở rộng diện tích của người dân từ nay đến năm 2025 với cây Hồi khoảng 350 ha; cây Sa nhân tím 250 ha ở 11 thôn, bản. Để đạt được mục tiêu này và có thêm những sản phẩm chế biến sâu từ 2 loại dược liệu trên cần thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh và huyện Yên Minh nhất là quy hoạch vùng trồng, quy hoạch đất phục vụ phát triển dược liệu, hỗ trợ giống, đào tạo tập huấn kỹ thuật, xây dựng nhà xưởng, chế biến tinh dầu Hồi, sấy Sa nhân…

Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Minh, Nguyễn Văn Chương cho biết: Những năm gần đây, đánh giá tiềm năng phát triển một số loài dược liệu ở Ngọc Long và sự hưởng ứng của người dân, UBND huyện đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ giống, phân bón cho bà con mở rộng diện tích cây Hồi, Sa nhân tím và cây Sả; hỗ trợ hệ thống chiết xuất tinh dầu Sả cho xã Ngọc Long… Với những kết quả bước đầu đạt được và mong muốn của người dân, Phòng Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện có thêm các cơ chế hỗ trợ phát triển dược liệu ở Ngọc Long, hi vọng địa phương này sẽ trở thành đầu tàu và là thủ phủ cây dược liệu của huyện, mang lại giá trị kinh tế, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuyển đổi sản xuất ở xã Vĩnh Phúc
BHG - Xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) có 1.784/2.094 hộ trồng cam, chiếm 85% tổng số hộ trong toàn xã. Thu nhập bình quân trên mỗi ha trồng cam lợi nhuận 148 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí) gấp 4,8 lần so với trồng lúa 2 vụ/năm. Đối với cây cam từ 6 năm tuổi trở lên sẽ cho thu hoạch ổn định, doanh thu từ 250 – 450 triệu đồng/ha/năm.
30/10/2022
Bám sát các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
BHG - Trong suốt quá trình hoạt động, Agribank Vị Xuyên luôn bám sát các chương trình phát triển KT – XH của địa phương. Từ đó, kịp thời đưa nguồn vốn đến khách hàng, phục vụ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thông qua các chương trình tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi để thực hiện tốt vai trò là trụ đỡ hỗ trợ tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.
30/10/2022
Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Theo TTXVN, hãng tin Sputnik (Nga) dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company đưa tin Việt Nam có nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc, đạt 23 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2022.
30/10/2022
Mảnh vườn trù phú của lão nông Hoàng Thế Diện
BHG - Bốn mùa trong năm, mảnh vườn trồng rau của gia đình ông Hoàng Thế Diện, thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) luôn tốt tươi, mang lại nguồn thu cho gia đình ông mỗi năm gần 150 triệu đồng. Đây là kết quả bước đầu sau khi ông thực hiện cải tạo vườn tạp (CTVT) theo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Mô hình trồng rau của gia đình ông được đánh giá là tiêu biểu của xã Niêm Sơn đến thời điểm này
29/10/2022