Nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi giá trị
BHG - Với tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, huyện Quản Bạ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, nhất là phát triển các sản phẩm tiêu biểu theo chuỗi giá trị, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào.
BHG - Với tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, huyện Quản Bạ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, nhất là phát triển các sản phẩm tiêu biểu theo chuỗi giá trị, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào. |
Những năm qua, Quản Bạ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN, giúp huyện lựa chọn được nhiều giống cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Đến nay, nhiều sản phẩm nông sản đặc sản của huyện đã và đang khẳng định thương hiệu trên thị trường như: Mật ong Bạc hà, Hồng không hạt, Giảo cổ lam đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Ngoài ra, huyện quan tâm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp; hiện đã phát triển trên 40 sản phẩm dược liệu các loại, trên 10 sản phẩm mật ong, 8 sản phẩm chè và nhiều sản phẩm khác. Không ít sản phẩm được cấp mã số, mã vạch, mẫu mã đa dạng; được đưa vào các trung tâm giới thiệu sản phẩm, các điểm dừng chân, trên các trang thông tin điện tử và được thị trường đón nhận như: Trà Giảo cổ lam, cao Actiso, trà Gừng, trà Kim ngân hoa, bột Thảo quả... Mặt khác, việc phát triển và hoàn thiện các sản phẩm OCOP được huyện quan tâm thực hiện. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn có trên 26 sản phẩm chứng nhận đạt sao OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 20 sản phẩm nông nghiệp của 9 hợp tác xã và huyện đang tiếp tục hoàn thiện, phát triển nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Hạng Dương Thành cho biết: Huyện tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến theo nhu cầu của thị trường, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp chuẩn VietGAP. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản và bảo tồn, phát triển nguồn gen cây ăn quả quý có năng suất, chất lượng cao như Hồng không hạt. Đối với dược liệu, huyện chủ động đưa một số giống mới vào sản xuất thử nghiệm và trồng đại trà thành công như: Actiso, Mã đề, Đương quy...; xây dựng thí điểm mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với các loại rau có giá trị kinh tế cao tại xã Quyết Tiến; tiếp thu, chuyển giao các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm dược liệu, nâng tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn lên 2.950 ha.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, huyện chủ động tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng các công nghệ về sinh sản, đặc biệt là công nghệ sản xuất, bảo quản tinh trùng đông lạnh và phương pháp thụ tinh nhân tạo để lai tạo ra các giống gia cầm, gia súc có năng suất, chất lượng tốt, sức chống chịu và kháng bệnh cao trước các điều kiện bất lợi của môi trường. Đồng thời, sử dụng rộng rãi công nghệ biogas, đệm lót sinh học và các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi; đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo chất lượng đàn bò và tăng đàn sinh học hiệu quả; tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi bò Vàng vùng cao theo hướng an toàn sinh học; triển khai các mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, sinh sản; trung bình mỗi năm phối giống cho khoảng trên 1.400 con bò, trong đó có khoảng 1.000 con thành công.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quản Bạ Nguyễn Chiến Thuật chia sẻ: Huyện tập trung ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu tạo chuyển biến lớn, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Với việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp người nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Tỷ lệ cơ giới hóa bình quân trong nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt trên 50%, trong đó, máy làm đất tỷ lệ cơ giới hóa 60%; máy trong khâu gieo, trồng, chăm sóc tỷ lệ cơ giới hóa bình quân đạt 50%; máy trong phục vụ thu hoạch, tỷ lệ cơ giới hóa bình quân đạt 50%; máy trong khâu chế biến thức ăn thô xanh, tỷ lệ cơ giới hóa đạt 70%.
Với mục tiêu nâng tầm các sản phẩm nông sản, huyện xác định việc làm quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vai trò của KH&CN trong sản xuất nông nghiệp; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng và cấp ủy các cấp về phát triển KH&CN. Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN nhằm tạo ra các chuỗi giá trị sản phẩm; đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản địa phương. Triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ nông dân, thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và trồng thử nghiệm một loại cây đặc thù của địa phương, đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP; tập trung phát triển vùng sản xuất rau, hoa xã Quyết Tiến trở thành trung tâm ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, khảo nghiệm một số loài dược liệu quý... nhằm tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Coi trọng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, cùng với những giải pháp đồng bộ để khai thác tiềm năng, lợi thế và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo chuỗi giá trị; nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích và tìm kiếm, hỗ trợ người dân về thị trường tiêu thụ... đang là cách làm giúp Quản Bạ chắp cánh cho thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương ngày một vươn xa. Qua đó, góp phần thực hiện tốt Kế hoạch số 16-KH/UBND, ngày 12.1.2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đổi mới và sáng tạo trong các doanh nghiệp, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025.
Bài, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc