Hoàng Su Phì gìn giữ cây chè di sản
BHG - Huyện Hoàng Su Phì nằm ở phía Tây của tỉnh, có độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển. Nơi đây hiện đang sở hữu vùng chè Shan tuyết cổ thụ, trong đó nhiều cây có tuổi đời lên đến vài trăm năm. Đến nay, toàn huyện có trên 1.200 cây chè Shan tuyết được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị chè di sản, chè cổ thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trồng chè.
Người dân thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên chăm sóc cây chè cổ thụ. |
Nhắc đến vùng chè Shan tuyết cổ thụ, không thể không kể đến thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên. Nơi đây nằm dưới dải Tây Côn Lĩnh, được bao bọc bởi những dãy núi có độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ với khí hậu trong lành, mát mẻ. Những người già nhất ở bản Phìn Hồ này cũng không nhớ nổi đồi chè cổ thụ có từ bao giờ. Chỉ biết khi lớn lên đã thấy những cây chè Shan tuyết cao quá đầu người, trải qua bao mùa mưa nắng vẫn hiên ngang bám rễ, đâm chồi nảy lộc, sản sinh ra những búp chè tươi mang hương vị của núi rừng.
Bà Triệu Mùi Nghính, thôn Phìn Hồ, năm nay đã trên 90 tuổi cho biết: Gia đình tôi sinh sống ở đây đã nhiều đời, ngay từ khi còn nhỏ tôi đã thấy những cây chè cổ thụ này. Trước đây, người Dao ở bản Phìn Hồ chưa biết giá trị của cây chè, chủ yếu hái về rồi sao, sấy để làm thức uống trong gia đình. Vài năm trở lại đây, được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, các gia đình đã đầu tư chăm sóc, thu hái theo quy trình kỹ thuật. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè Shan tuyết.
Những cây chè đã được công nhận cây di sản ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên. |
Qua số liệu điều tra, khảo sát, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì hiện có hơn 10.000 cây chè Shan tuyết có tuổi đời trên 100 năm, đường kính thân cây từ 30 cm trở lên. Trong đó có 1.248 cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn 5 xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Theo lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì, để được công nhận là cây di sản phải đáp ứng được các tiêu chí như: Đối với các cây mọc tự nhiên, phải sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 40 m, chu vi trên 6 m đối với cây gỗ đơn thân). Đối với cây trồng, phải sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 30 m, chu vi trên 3,5 m đối với cây gỗ đơn thân, còn với cây thuộc chi ficus phải cao trên 20 m, chu vi trên 10 m), có hình dáng đặc sắc. Đặc biệt, cây chè Shan tuyết cổ thụ có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử độc đáo, gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Vì vậy, việc có trên 1.200 cây chè được công nhận cây di sản có ý nghĩa quan trọng đối với huyện Hoàng Su Phì trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị từ cây chè cổ thụ.
Tuy nhiên, có một thực tế đó là hiện nay các cây di sản đều là những cây cổ thụ, già cỗi, một số cây có dấu hiệu sinh trưởng kém, bị sâu bệnh hại, héo lá, chết cành. Trong khi, việc bảo vệ cây di sản còn gặp khó khăn do chưa có nguồn kinh phí riêng để phục vụ cho công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây ở các địa phương. Một bộ phận người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ cây, gây nên những vết thương tạo điều kiện cho một số vi sinh vật xâm nhập, gây bệnh cho cây… Vì vậy, trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành và của cả cộng đồng để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của cây di sản trên địa bàn.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc