Tạo sinh kế lâu dài cho người dân gắn bó với rừng
BHG - Sau gần 10 năm thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Quang Bình. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân sống giáp ranh với rừng.
Người dân tổ 4, thị trấn Yên Bình (Quang Bình) trồng và giữ rừng để tăng thu nhập cho gia đình. |
Huyện Quang Bình có tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 61.240 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là gần 53.646 ha, chiếm 11,6% diện tích đất có rừng toàn tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, số tiền DVMTR các chủ rừng, cộng đồng dân cư và các xã, thị trấn của huyện được chi trả đạt 34,9 tỷ đồng. Riêng năm 2021, tổng diện tích rừng có cung ứng DVMTR là 48.471 ha, với số tiền chi trả 8,6 tỷ đồng. Chính sách chi trả DVMTR là nguồn lực quan trọng, tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí cho tổ chức, UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ rừng, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, điều tiết và duy nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Để giảm bớt rủi ro, đảm bảo công khai, minh bạch, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành địa phương tổ chức thông báo diện tích, số tiền chi trả DVMTR của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và của cộng đồng các thôn, bản nhận khoán bảo vệ rừng. Danh sách và số tiền được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã và các thôn, bản để người dân tiện theo dõi, giám sát từng năm. Bên cạnh đó, việc sử dụng tiền DVMTR được các chủ rừng thực hiện đúng quy định, đặc biệt đối với tiền của cộng đồng có sự họp bàn dân chủ để quyết định các mục đích chi, đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội phục vụ lợi ích chung của thôn như: Làm mới tu sửa đường giao thông nông thôn, tu sửa nhà văn hóa thôn, điểm trường.
Qua tìm hiểu, thị trấn Yên Bình có 2.772 ha rừng cung ứng DVMTR, những năm qua, việc chi trả tiền DVMTR thông qua hệ thống bưu điện. Trong quá trình chi trả tiền DVMTR, ngoài thực hiện chức năng giám sát, Quỹ Bảo vệ rừng và Phát triển rừng cùng UBND thị trấn, Hạt Kiểm lâm huyện đẩy mạnh tuyên truyền cho các gia đình, cộng đồng dân cư được giao đất, giao rừng các quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nhận giao khoán quản lý rừng. Qua đó, khuyến khích người dân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như xây dựng quỹ phát triển thôn và kết hợp với các nguồn vốn khác để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Anh Hoàng Văn Hùng, Tổ trưởng tổ 4, thị trấn Yên Bình cho biết: “Năm 2021, tổ nhận khoán bảo vệ 960 ha và các hộ dân nhận khoán 162 ha rừng tự nhiên khu vực mỏ Ao xanh. Tổ dân phố đã bầu ra 10 thành viên tham gia tổ tuần tra, bảo vệ rừng. Mỗi tháng, chúng tôi đi tuần rừng 3 - 4 lần. Rừng ở mỏ Ao xanh là rừng nguyên sinh, có những cây gỗ hàng trăm năm tuổi, thuộc dòng quý hiếm. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ đi đôi với trồng rừng, những cánh rừng nơi đây luôn xanh tốt, lòng hồ đầu nguồn dồi dào nguồn nước đưa về cánh đồng. Người dân hưởng lợi tiền DVMTR mà không xâm hại đến rừng, tái đầu tư lại rừng để tăng thu nhập cho gia đình”.
Song song với thực hiện chi trả DVMTR, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay, Quang Bình trở thành một trong những huyện dẫn đầu về phát triển kinh tế rừng. Ngoài các tổ, nhóm cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư trồng cây gỗ lớn, chủ yếu là cây quế, cây keo. Nhiều vùng đồi núi trọc bị bỏ hoang nay đã được phủ xanh, diện tích đăng ký trồng rừng tăng theo từng năm với cơ cấu giống tốt. Từ những kết quả thực tiễn cho thấy, nhờ thực hiện đảm bảo các cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng, đặc biệt là chính sách chi trả DVMTR đã tạo sinh kế, bước đi vững chắc trong công cuộc giảm nghèo, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc