Phụ nữ Hà Giang nắm "cơ hội vàng" phát triển sản phẩm OCOP
Nhiều năm qua, những người phụ nữ huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) không ngừng thay đổi các phương thức phát triển kinh tế, đặc biệt xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hoá, mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Giang tại Triển lãm các thành tựu phát triển KT-XH và trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Giang |
Bà Hoàng Thị Vén – Chủ cơ sở thịt mắm Xuân Giang, huyện Quang Bình, Hà Giang chia sẻ trước đây gia đình vẫn làm thịt mắm từ lợn đen nhưng chưa có sản phẩm theo chuẩn OCOP nên năm 2021 gia đình sản xuất đưa lên huyện thi và được chấm giải 3 sao. Nhờ đó, gia đình bà Vén đã mở rộng sản xuất. Đến nay, các đơn đặt hàng đã nhiều lên, sản phẩm được sản xuất theo mẫu mã tiêu chuẩn đảm bảo cả về thẩm mỹ và an toàn thực phẩm. Đến nay, sản phẩm có tem mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Sản phẩm thương hiệu thịt mắm đã được chứng nhận sản phẩm hàng hoá của địa phương.
Để sản phẩm ngon, bà Vén cho biết, thịt mắm được chuẩn bị kỹ từ khâu chọn thịt sau đó đến khâu tẩm ướp với 21 loại gia vị truyền thống được ướp từ cây như riềng, rau răm, bỗng rượu nếp cái… thịt ướp xong để trong chum vại được lâu.
Một hộ gia đình tại xã Tiên Nguyên hiện đang trồng chè và xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Minh Châu làm sản phẩm OCOP của huyện. Đại diện gia đình cho biết, gia đình xác định chè Shan tuyết là cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương nên gia đình đã đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chè sạch, an toàn, không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm.
Theo đó, gia đình chị đã luôn chú trọng đến chất lượng nguồn nguyên liệu, ký hợp đồng với người trồng chè để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, an toàn; quan tâm thị hiếu của người tiêu dùng, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi quy cách mẫu mã để có sản phẩm tiện lợi hơn. Đến nay, sản phẩm được giới thiệu rộng rãi trong cả nước. Năm 2022, sản phẩm chè Shan tuyết của gia đình đã được trưng bày và giới thiệu tại Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội.
Sản phẩm chè Minh Châu của Hà Giang trưng bày tại hội chợ OCOP ở Hà Nội |
Chị Phạm Thị Thuỷ xã Tiên Yên, huyện Quang Bình, Hà Giang cũng mạnh dạn chuyển đổi đất đồi trồng ngô, trồng cây lâu năm không có hiệu quả sang trồng 4 nghìn gốc thanh long ruột đỏ. Nhận thấy, cây thanh long phù hợp với đất đồi địa phương và khí hậu, chị Thuỷ đã bắt tay vào mô hình trồng thanh long ruột đỏ ngay tại địa phương. Chị đầu tư hơn 100 triệu đồng để làm trụ bê tông.
Theo chị Thuỷ, khi trồng cây thanh long, cả gia đình phải chú trọng về sâu bệnh, nhất là ốc sên, bón phân. Việc bón phân phải cân đối làm sao cho quả đủ ngọt để đạt được sản phẩm tốt và được thị trường chấp nhận.
Sau hơn 2 năm thanh long đã cho ra quả. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm dễ hơn vì sản phẩm chất lượng nên các đơn vị phân phối ký hợp đồng mua hàng năm. Chị Thuỷ đang phối hợp với chính quyền địa phương đăng ký thanh long ruột đỏ là sản phẩm OCOP của địa phương mình.
Ông Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cho biết, trong 3 năm gần đây, chủ trương của tỉnh Hà Giang là xây dựng mỗi xã 1 sản phẩm OCOP. Huyện Quang Bình triển khai cho các chủ thể đăng ký và đến nay có 23 sản phẩm được cấp chứng nhận 3 sao. Năm 2022, huyện đang xây dựng thêm 16 sản phẩm. Các sản phẩm xây dựng trên thế mạnh của huyện như chè, cam để bán ra thị trường.
Để đáp ứng yêu cầu và chất lượng sản phẩm, huyện đưa về các xã chương trình kế hoạch để các xã chỉ đạo nhân dân tích cực phát triển sản phẩm của địa phương qua tuyên truyền và vận động. Đặc biệt, các xã tổ chức tập huấn cho người dân về cách xây dựng sản phẩm của xã mình đạt chuẩn OCOP.
Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm OCOP là hướng đi đúng đắn, tăng giá trị sản phẩm, giúp người dân thay đổi tư duy làm kinh tế từ nhỏ lẻ, manh mún thành các hộ sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Ngoài ra, huyện Quang Bình cũng tăng cường quảng bá sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường giúp người dân có thu nhập ổn định, thu hút người tiêu dùng ủng hộ.
Theo nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc